Ông sinh năm 1905 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Trường Trung (nay là làng Xuân Tiến, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc). Ngay từ bé Nguyễn Chí Hiền đã thể hiện sự thông minh, sáng dạ. Sau khi học hết trường làng đến trường tổng, ông được người chú họ gửi vào một gia đình người Pháp coi sở Muối ở Đồng Trường để học tiếp. Do không muốn học tiếp để mẹ phải thêm gánh nặng, ông xin ra làm ký (kế toán) cho nhà thương Thanh Hóa. Trong quá trình này, chứng kiến cảnh đối xử bất công, khinh miệt giữa giàu và nghèo trong việc chữa bệnh giữa người Tây với người ta ông đã thức tỉnh lòng tự ái dân tộc.
Năm 1926, ông liên lạc với đồng chí Lê Hữu Lập - người cùng huyện, được sự dìu dắt và giúp đỡ của Lê Hữu Lập. Tháng 4/1926, tại số nhà 26 phố Hàng Than, thị xã Thanh Hóa Nguyễn Chí Hiền đã gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tỉnh Thanh Hóa. Một năm sau, ông được tổ chức cử sang Ma Cao (Trung Quốc) dự lớp tập huấn do đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Hồ Tùng Mậu tổ chức. Sau hai tháng tập huấn, ông tiếp tục về nước hoạt động.
Ngày 14 tháng 7 năm 1929, hoạt động tổ chức Thanh niên Thanh Hóa ở làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến (nay thuộc thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn) bị lộ, thực dân Pháp khủng bố và truy lùng ráo riết. Trước tình hình đó, ông cùng các đồng chí buộc phải di tản khỏi quê. Trước lúc đi, ông ngậm ngùi nói với mẹ: “Có điều gì không phải, mẹ tha thứ cho con. Về phần con, con đã thề với Tổ quốc đem từng sợi tóc, từng đốt xương, từng giọt máu sống, làm việc cho Tổ quốc và chết cũng vì Tổ quốc, vì đất nước. Con đi là ở nhà mẹ khổ, gia đình khổ. Nếu sau này còn sống trở về, con trả ơn mẹ, nếu chúng nó bắt được con thì chúng sẽ giết con, lúc đó có Tổ quốc trả ơn mẹ thay con”(1). Đây cũng là lần cuối cùng ông được về thăm nhà và quê hương Hậu Lộc.
Sau khi thoát khỏi vòng vây, Nguyễn Chí Hiền liên lạc với đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đã được giới thiệu với các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hải Phòng, qua đó Xứ ủy Bắc kỳ thấy rằng Nguyễn Chí Hiền có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất của người cộng sản, nên bổ sung ông về tăng cường cho Tỉnh ủy Thái Bình. Về đây, Nguyễn Chí Hiền đã tổ chức lãnh đạo nông dân Tiền Hải vùng lên làm cuộc mít tinh diễu hành ngày 14/10/1930 yêu cầu giảm sưu cao, thuế nặng, xóa bỏ việc bắt muối, ủng hộ Liên bang Xô Viết. Hai tháng sau, ông trực tiếp chỉ đạo cuộc diễn thuyết tại chợ Cao Mai, huyện Kiến Xương để kêu gọi quần chúng đấu tranh hưởng ứng phong trào Tiền Hải. Sau đó, ông được bổ sung vào Xứ ủy Bắc kỳ.
Ngày 08/4/1931, trong chuyến đi công tác về Xứ ủy Bắc Kỳ, Nguyễn Chí Hiền đã bị thực dân Pháp bắt và giam ở nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, chúng dùng mọi thủ đoạn đánh đập, tra tấn dã man, mua chuộc và dụ dỗ,… hòng khai thác tin tức từ ông. Không khai thác được gì chúng đưa ông về huyện Tiền Hải với mục đích để răn đe quần chúng. Sau đó, chúng đưa ông về nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Cuối năm 1932, thực dân Pháp đã chuyển ông và 118 tù chính trị từ nhà tù Hỏa Lò Hà Nội đi Sơn La. Ở nhà tù Sơn La, ông đã cùng với những đồng chí của mình “biến nhà tù thực dân thành trường học” để rèn luyện ý chí của người cộng sản. Gần một năm sau, ông mất tại nhà tù Sơn La.
Với những cống hiến của ông cho cách mạng, cho Đảng, ngày 09/01/1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã ký tặng gia đình đồng chí Nguyễn Chí Hiền Bằng Tổ quốc ghi công. Ngày 20/4/2004, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định công nhận liệt sĩ Nguyễn Chí Hiền đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc.
Nhằm tri ân và tưởng nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Chí Hiền, tuổi trẻ Hậu Lộc đã vận động đoàn viên đóng góp xây dựng công trình
Nhà lưu niệm ông. Sau 6 tháng triển khai vận động và xây dựng, tháng 10/2005 công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là nơi thờ và trưng bày một số tư liệu, hiện vật liên quan đến liệt sĩ cộng sản cách mạng Nguyễn Chí Hiền, Xứ ủy Bắc Kỳ - một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tiền Hải - Thái Bình năm 1930.
Nhà lưu niệm chiến sĩ cách mạng Nguyễn Chí Hiền tọa lạc về hướng Nam, có diện tích 91m2. Khuôn viên bên trong có tổng diện tích là 36,4m2, được dựng theo cấu trúc kiểu chữ Nhất, gồm có 3 gian, tường hồi bít đốc với chiều dài là 6,8m, chiều rộng là 3,8m, hiên rộng 1,5m. Kết cấu kiến trúc theo kiểu vì kèo suốt, biến thể theo kiến trúc gỗ truyền thống. Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Hiền là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng đối với cán bộ Đảng viên và Nhân dân.
Gần một thế kỷ đã trôi qua, nhưng tên tuổi của Nguyễn Chí Hiền - người chiến sĩ cách mạng đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc vẫn in mãi trong lòng thế hệ trẻ Thanh Hóa nói chung, tuổi trẻ huyện Hậu Lộc nói riêng. Năm 2016 Nhà lưu niệm Nguyễn Chí Hiền được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh./.
Tuyết Nhung
Chú thích:
1. Trích Hồi ký Nguyễn Chí Hiền, tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.