TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Người miệt mài giữ lửa Nghệ thuật truyền thống
29/01/2021 16:00
Nặng lòng với văn hóa truyền thống, lo lắng trước sự mai một của các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Trong những năm qua, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hương (nghệ danh Thiên Hương) tại xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa với lòng nhiệt huyết, tình yêu của mình đã và đang góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa của quê hương.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hương chụp ảnh lưu niệm cùng các học viên.

Sinh năm 1975 trong một gia đình có truyền thống năm đời làm nghệ thuật, ngay từ bé chị đã được nuôi dưỡng tâm hồn bằng lời ru của cha, câu hát của mẹ. Những câu hát ngọt ngào ấy đã biến thành niềm đam mê đưa cô gái trẻ Nguyễn Thị Hương đến với các làn điệu Tuồng, Chèo, hát Văn, hát Xẩm khi mới 12 tuổi. Bén duyên nghệ thuật từ bé nhưng do hoàn cảnh gia đình nên chị không có điều kiện theo con đường chuyên nghiệp, tuy nhiên chị đã sớm trở thành hạt nhân của phong trào văn hóa quần chúng xã Hoằng Phượng và tham gia nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ của huyện và tỉnh.
Với mong muốn gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông để lại. 28 năm theo đuổi con đường nghệ thuật không chuyên, chị luôn trăn trở tìm cách đưa các loại hình diễn xướng dân gian trở lại vị trí vốn có của nó, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân nơi chị sinh ra và lớn lên. Từ năm 2002, chị Hương chính thức mở lớp truyền dạy các làn điệu truyền thống của quê hương cho người dân. Có những gia đình 3 thế hệ đều tham gia học hát Chèo với chị, qua đây nhiều học viên đã đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Tiêu biểu như em Nguyễn Thị Thu Hằng (sinh năm 1999, xã Hoằng Phượng), hiện đang công tác tại Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh vừa đạt huy chương Bạc tại Liên hoan sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2019…
Không chỉ theo đuổi nghệ thuật Chèo, NNƯT Thiên Hương còn học nhiều loại hình nghệ thuật khác như Ca Trù, hát Văn, hát Xẩm. Ở lĩnh vực nào chị cũng ghi dấu ấn nhất định trong lòng công chúng. Năm 2019, khi nhận thấy hát Xẩm đang dần bị quên lãng và đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền vì không có thế hệ kế thừa, chị quyết định thành lập nhóm Xẩm mang tên: “Hương đồng nội xứ Thanh”. Trải lòng mình về quyết định có phần táo bạo ấy, chị chia sẻ “Tôi đến với hát Xẩm khá muộn, muộn hơn nhiều quãng thời gian tôi gắn bó và gặt hái được những thành công với nghệ thuật Chèo và Ca Trù. Nói theo cách khác, việc tôi đến với nghệ thuật hát Xẩm tựa hồ là cơ duyên, định mệnh không ai có thể cưỡng cầu hay chối từ”. Chị cho biết “Xẩm có khoảng trên dưới 10 làn điệu, và hơn 400 lời Xẩm, trong đó phổ biến là: Xẩm Thập Ân, Xẩm Huê Tình, Xẩm Hà Liễu, Xẩm Ba Bậc, Xẩm Trống Quân... Từ một loại hình diễn xướng dân gian phổ biến nơi đông người, Xẩm đã lên sân khấu trong các chương trình nghệ thuật, phục vụ khách du lịch”.
Tuy đến với loại hình hát Xẩm muộn nhưng chị đã đạt được một số thành công, ngoài việc góp phần bảo tồn bộ môn nghệ thuật truyền thống này, năm 2019, nhóm Xẩm “Hương đồng nội xứ Thanh” tham gia Liên hoan hát Xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc - Ninh Bình đã xuất sắc đạt giải B.
Gắn bó máu thịt với mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, chị Hương hiểu bản thân phải trân trọng và giữ gìn mạch nguồn văn hóa của quê hương. Vì vậy chị đã tìm đến các nghệ nhân lão luyện, giàu kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh để sưu tầm, ghi chép lại các làn điệu trình diễn dân gian cổ. Đến nay chị đã sưu tầm và biên soạn được nhiều làn điệu Chèo, Ca Trù, hát Xẩm cổ, dàn dựng các tiết mục tham gia Hội thi, Hội diễn trong tỉnh và toàn quốc đạt được nhiều huy chương Vàng, Bạc, Giấy khen, Bằng khen của các cấp, các ngành như: HCV Liên hoan Ca Trù toàn quốc năm 2005; giải B Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam năm 2005; giải A Liên hoan Ca Trù toàn quốc năm 2018... Những phần thưởng ấy không chỉ ghi nhận tâm huyết mà còn khẳng định tài năng của NNƯT Thiên Hương. Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước trao tặng năm 2019 là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp không biết mệt mỏi của chị với văn hóa truyền thống của huyện Hoằng Hóa nói riêng và xứ Thanh nói chung.
Tự ví mình như một người đang lội ngược dòng, “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” chị Hương cho biết con đường bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân gian mà chị đã, đang và tiếp tục theo đuổi vẫn còn đó những khó khăn, thử thách. Nhưng với tâm niệm: “Cứ đi rồi sẽ tới” chị tin tưởng rằng với sự chung sức đồng lòng, chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, của toàn thể người dân, những loại hình diễn xướng dân gian tại Hoằng Hóa sẽ sớm tìm lại đất sống, tiếp tục đồng hành, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và đa dạng hóa các loại hình văn hóa trên mảnh đất xứ Thanh./.

                                                                                                                                                                                                            Minh Tịch

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com