TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Người giữ lửa nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mường huyện Ngọc Lặc
28/07/2020 10:17
Thanh Hóa có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Mường, Dao, Mông, Thái, Khơ Mú và dân tộc Thổ. Mỗi một dân tộc đều có nghề dệt thủ công truyền thống, tạo nên những sản phẩm văn hóa độc đáo, mang nét đặc trưng riêng của từng tộc người. Trong mỗi cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đều có những nghệ nhân tài hoa, tâm huyết, với công việc bảo tồn, gìn giữ nghề dệt truyền thống.
Nghệ nhân Phạm Thị Bảo đang trao truyền nghề dệt cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Phạm Thị Bảo sinh ra và lớn lên ở làng Nhọi, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, trong một gia đình có nghề dệt truyền thống làm thổ cẩm, bà Phạm Thị Bảo được thừa hưởng tính cách chăm chỉ, cần mẫn, chịu khó và đôi bàn tay dệt khéo léo của mẹ và bà ngoại. Hơn 10 tuổi bà đã thành thạo việc ngồi vào khung cửi, sáng tạo nên những tấm vải thổ cẩm với hoa văn, họa tiết phong phú, bắt mắt như hoa rừng, chim, hươu… phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, họ hàng. Đối với đồng bào dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc nghề dệt thổ cẩm có từ lâu đời, từ những tấm thổ cẩm, người phụ nữ Mường đã khéo léo may thành vỏ chăn, vỏ gối... trang trọng và lịch sự. Bên cạnh nhu cầu sử dụng trong gia đình, sản phẩm dệt thổ cẩm còn được dùng làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng và mua bán theo phương thức trao đổi. Nghề dệt thổ cẩm mang giá trị thuần khiết, là kết tinh văn hóa của dân tộc người Mường Ngọc Lặc. Tuy nhiên có giai đoạn nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mường bị gián đoạn do không cạnh tranh được với vải vóc công nghiệp trên thị trường. Vì vậy, hầu hết chị em thợ dệt đã bỏ nghề truyền thống để tập trung vào chăn nuôi, làm ruộng, làm rẫy. Riêng chỉ có bà Phạm Thị Bảo vì quá đam mê vẫn cần mẫn, kiên trì níu giữ nghề.
Lo lắng một ngày nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình sẽ bị mai một, bà Phạm Thị Bảo luôn trăn trở tìm cách duy trì và phát triển nghề. Bà biết muốn duy trì được nghề thì phải làm sao cho bà con đam mê với nghề và sống được bằng nghề. Chia sẻ với chúng tôi bà Bảo nói “Dệt thổ cẩm truyền thống vốn là nghề nổi tiếng của đồng bào tôi. Nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi chỉ biết nghề này có từ hồi bà cố, đến bà ngoại rồi đến mẹ và giờ là tôi. Đây là nghề truyền thống của dân tộc nên tôi luôn có ý thức phải giữ gìn lâu dài để truyền dạy lại cho con, cháu của mình nữa”. Vậy là bằng sự quyết tâm và niềm đam mê, năm 2007 bà đã thành lập Câu lạc bộ dệt thổ cẩm Bảo Hằng. Lúc này nghệ nhân Phạm Thị Bảo - Chủ nhiệm Câu lạc bộ phải tất bật lo toan trong vai trò “đứng mũi chịu sào” vừa làm công tác tổ chức, vừa sẵn sàng truyền dạy nghề dệt miễn phí cho những ai yêu thích, muốn học nghề. Từ việc tập hợp những người biết nghề trong làng tập trung truyền dạy cho con, cháu, bà còn đưa những sản phẩm thổ cẩm của Câu lạc bộ hiện diện tại nhiều Hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để quảng bá cho sản phẩm của quê hương. Tiếng lành đồn xa, dệt thổ cẩm Bảo Hằng không chỉ được tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn được nhiều khách ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… đặt mua. Theo đó, hàng năm CLB có doanh thu khoảng 400 triệu đồng/ năm. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 người với thu nhập bình quân từ 2,5 đến 4,5 triệu đồng/ người/ tháng.
Bà chia sẻ thêm những ngày đầu mới thành lập, CLB dệt thổ cẩm của bà hoạt động rất khó khăn do thiếu vốn, nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo niềm tin cho khách bà Phạm Thị Bảo cùng các thành viên trong Câu lạc bộ luôn tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo ra các mẫu mã, hoa văn mới, học thêm kỹ thuật dệt để da dạng hóa sản phẩm thổ cẩm. Ngoài sản phẩm tiêu thụ là váy, áo, khăn, vỏ chăn… Câu lạc bộ còn dệt thêm những sản phẩm như túi xách, khăn… Hiện giờ mọi hoạt động của CLB đã ổn định, điều đáng mừng nhất là ngày càng nhiều người trong vùng theo học và làm nghề cũng như sống được với nghề.
Bằng tâm huyết ấy, nghệ nhân Phạm Thị Bảo đã truyền lửa cho những người phụ nữ và các thế hệ phụ nữ Mường trong làng nhằm bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Điều này đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường Thanh Hóa./.

Lê Nguyên

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com