Với người dân trong bản, anh Dính được xem như một “chiến sĩ văn hóa trong lòng dân” vì đã giúp cho cộng đồng dân tộc Mông nhận thức rõ hơn về đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Anh luôn mong muốn đồng bào dân tộc Mông không còn đói nghèo, lạc hậu, không còn tình trạng di dân tự do. Năm 2010 anh mạnh dạn đề xuất thành lập Tổ tuyên truyền (gồm 6 người) xóa bỏ các hủ tục lạc hậu của bản do anh làm Tổ trưởng. Đối với từng hủ tục, anh cùng các thành viên trong tổ đã tìm hiểu, xác định nguyên nhân và tìm ra phương hướng khắc phục cụ thể. Tổ phân công cho từng thành viên trực tiếp phụ trách các nhóm hộ cụ thể, thường xuyên đến thăm hỏi, trò chuyện, tạo mối quan hệ thân tình với từng hộ gia đình, tuyên truyền về tác hại, hệ lụy của các hủ tục đối với đời sống người dân. Kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, nhất là các chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, người dân không tin và không nghe luận điệu xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; không di cư tự do, không theo đạo trái pháp luật, tích cực tham gia phong trào bảo vệ đường biên, mốc biên giới; giữ gìn an ninh trật tự cơ sở.
Ðối với hình thức tuyên truyền cá biệt, anh Dính cùng cán bộ tuyên truyền phải lặn lội đi đến từng hộ gia đình, vượt núi, băng rừng, lội suối để vận động, tuyên truyền cho bà con, không chỉ một vài lần mà có khi là cả hàng chục lần. Tuy nhiên, những người luôn “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với đồng bào dân tộc luôn nỗ lực hết sức để giúp cho bà con hiểu và làm theo pháp luật, để bình yên bản làng. Mới đây, khi liên lạc hỏi thăm anh về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 cho bà con trong bản anh chia sẻ: “Na Mèo là xã có đường biên giới giáp Lào, nên nhiều ngày nay, tập thể cán bộ trong xã đang căng mình cả ngày, lẫn đêm để tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như bằng xe thông tin lưu động, đài phát thanh, cổ động trực quan… đặc biệt ở những nơi có địa hình hiểm trở chúng tôi còn chia nhau đi đến từng nhà dân một với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng hộ” để tuyên truyền cho bà con nắm bắt kịp thời về tình hình dịch bệnh”. Bằng hình thức tuyên truyền đặc thù này, anh đã cùng các đội công tác xuống tận nhà, lên tận rẫy để trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân không xuất, nhập cảnh trái phép, không tiếp tay cho hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế, khuyến khích bà con giáo dân ở nhà cầu nguyện không đến nhà thờ. Giờ đây đồng bào Mông ở Na Mèo, không đốt rừng tràn lan, nhiều hủ tục được xóa bỏ, tình trạng tảo hôn cận huyết thống không còn. Có Đảng dẫn đường, chỉ lối, đồng bào mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay. Đồng bào Mông ơn Đảng, ơn Chính phủ nhiều lắm.
Là cán bộ văn hóa, anh còn là tấm gương sáng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Mông khi anh chính là hạt nhân điển hình, là nghệ nhân dân gian, người nắm giữ nhiều làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống, đặc biệt là nhảy khèn Pá Hộc của dân tộc Mông. Những cống hiến của anh được ghi nhận, đánh giá qua các giải thưởng của Hội thi, Hội diễn, Liên hoan ở cấp huyện, tỉnh và toàn quốc, cùng với đó, anh Dính đã nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa. Năm 2020, anh được Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa tặng Giấy khen; Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn tặng Giấy Khen có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020… Những thành tích trên là ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp của anh Dính - Người cán bộ văn hóa tận tâm./.
Hoàng Yến Lê