Năm 2023 được xem là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng tạo nền tảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh và của Ngành. Do đó, toàn Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đồng lòng, quyết tâm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra và đạt được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực.
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, lãnh đạo Ngành đã chú trọng đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng trọng tâm, trọng điểm, mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể; Tập trung chỉ đạo, chủ động tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày kỷ niệm, lễ lớn của đất nước và của tỉnh. Đồng thời, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành và phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan triển khai thực hiện trên 125 văn bản thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; Hoàn thành 601/659 nhiệm vụ UBND tỉnh giao, đạt tỷ lệ 91,2%.
Công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa đã được thực hiện nghiêm túc trên các lĩnh vực. Trong đó nổi bật là Sở VH,TT&DL đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội tại di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đây được xem như một bước chuyển biến mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý di sản. Các văn bản đã góp phần định hướng cách thức quản lý, bảo vệ các di sản để những người làm công tác văn hóa không còn lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Qua đó góp phần hiệu quả vào công tác bảo tồn, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó Sở đã lập kế hoạch, danh sách và hồ sơ khoa học các di tích đủ điều kiện đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xếp hạng 05 di tích cấp tỉnh; Cấp lại bằng xếp hạng 01 Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Tham mưu ban hành nhiều văn bản về việc tổ chức các hoạt động của Ngành. Đồng thời, hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng trong năm như: Khai quật 4 cổng thành của di sản Thành Nhà Hồ; Thuê chuyên gia khảo sát xây dựng bài thuyết minh tour và tổ chức Tập huấn thuyết minh viên du lịch năm 2023; In sách “Thành tựu 10 năm khai quật khảo cổ học Di sản thế giới Thành Nhà Hồ”; Chống mối Tường thành phía Bắc di sản thế giới Thành Nhà Hồ, giai đoạn 2023 - 2025. Xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận 07 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Nghi Lễ Nhảng Chập Đáo (Tết Nhảy) của người Dao Quần Chẹt; Nghệ thuật trình diễn dân gian mùa Đèn xếp chữ, hát Chèo Chải cổ trong lễ hội Ngư Võng Phường; Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn; Lễ hội Mường Khô, Lễ hội Sết Boóc Mạy; Lễ hội Nàng Han.
Về lĩnh vực văn hóa cơ sở có nhiều điểm nổi bật. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triến sâu, rộng, thực chất. Năm 2023, có 84,9% hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; 85,4% thôn, bản, tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hóa. Các hoạt động văn hóa quần chúng, tuyên truyền cổ động, văn hóa dân tộc, nghệ thuật biểu diễn được triển khai sôi nổi. Trong năm, Sở VHTTDL đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, như: Chỉ đạo và giúp các huyện tổ chức các Lớp tập huấn nghiệp vụ Văn hóa văn nghệ, Tuyên truyền cổ động; Duy trì và phát triển hoạt động các Câu lạc bộ (CLB), tổ, đội nhóm và ra mắt một số CLB mới với nhiều nội dung sinh hoạt phong phú, hấp dẫn; Tổ chức thành công Liên hoan Tuyên truyền cổ động tỉnh Thanh Hóa, năm 2023, chủ đề “Quê Thanh làm theo lời Bác” tại thành phố Sầm Sơn; Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội Văn hóa “Hương sắc vùng cao” của đồng bào các dân tộc thiểu số 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa tại huyện Thường Xuân; Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, CLB, cộng tác viên trên địa bàn tỉnh tham gia 11 cuộc Liên hoa, Hội thi, Hội diễn, Ngày hội toàn quốc đạt được nhiều thành tích cao, được các cấp, các ngành ghi nhận; Tổ chức 1.450 đợt phim, tuần phim tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị phục vụ Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt 11 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa góp phần nâng cao mức thụ hưởng văn hóa tinh thần cho người dân.
Năm 2023, với sự quan tâm của lãnh đạo của tỉnh, sự ủng hộ của Nhân dân và sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, HLV, VĐV, lĩnh vực thể dục thể thao đã gặt hái nhiều kết quả, thành tích ấn tượng, toàn diện. Thể dục thể thao cho mọi người phát triển rộng khắp, tổ chức và phối hợp tổ chức 21 giải thể thao cấp tỉnh và nhiều hoạt động TDTT gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa, lễ hội và du lịch các cấp từ tỉnh đến cơ sở, toàn tỉnh có 44,2% dân số tham gia tập luyện thường xuyên, 30,6% gia đình thể thao và 3530 CLB TDTT cơ sở. Thể thao thành tích cao đã cử các đoàn VĐV tham gia thi đấu 121 giải quốc gia, quốc tế, giành được 779 Huy chương các loại (238 HCV, 220 HCB, 341 HCĐ); Trong đó có 17 Huy chương tại SEA Games 32 (7 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ); VĐV Taekwondo Phạm Ngọc Châm đã xuất sắc giành Huy chương Đồng ở nội dung Đối kháng hỗn hợp tại Á Vận hội lần thứ 19 (ASIAD 19) tổ chức tại Trung Quốc; Tham gia 02 giải Thế giới, giành 02 HCV (VĐV Nguyễn Thị Phương Hậu - Giải Vô địch Muay Thế giới và VĐV Lê Thị Hiền - Giải Vô địch Vovinam Thế giới), 02 HCB, 01 HCĐ; Giành 05 HCV, 03 HCB, 05 HCĐ tại 03 giải vô địch và vô địch trẻ Châu Á; Đội bóng chuyền nữ Xi măng Long Sơn - Thanh Hóa giành vé vào vòng tứ kết giải Bóng chuyền Vô địch Quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang năm 2023; Bóng đá Thanh Hóa tham gia thi đấu 06 giải giành 03 HCV, 01 HCB, nổi bật là CLB Bóng đá Đông Á Thanh Hóa giành chức vô địch Cúp Quốc gia và Siêu Cúp Quốc gia năm 2023; Đội tuyển U19 Thanh Hóa giành chức vô địch Giải bóng đá U19 quốc gia năm 2023. Những thành tích đạt được đã cổ vũ Nhân dân tích cực tham gia tập luyện, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần cho Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, được lãnh đạo Tỉnh đánh giá cao và tổ chức khen thưởng kịp thời.
Hiện nay, với 556 Sân vận động đủ kích thước (60m x 90m) 155 Nhà tập luyện, thi đấu cơ sở; 4.289 Sân Bóng chuyền; 4.644 Sân Cầu lông; 2.391 Bàn Bóng bàn; 134 Sân Quần vợt; 216 bể bơi đơn giản; 126 Sân Bóng rổ; 4.046 Sân chơi bãi tập... Hệ thống cơ sở vật chất này cơ bản do các đơn vị sự nghiệp, các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở quản lý, sử dụng để phục vụ nhu cầu tập luyện của Nhân dân và tổ chức các hoạt động thể thao phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa và đời sống của Nhân dân, cũng như đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, TDTT cho Nhân dân từ tỉnh đến cơ sở.
Lĩnh vực du lịch đã vượt qua khó khăn gặt hái được nhiều thành công. Ngay từ đầu năm, Sở đã ban hành danh mục hơn 70 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023 trên địa bàn tỉnh; hoạt động quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh, thành phố trong cả nước được triển khai hiệu quả; Tham mưu cho tỉnh tổ chức thành công Hội nghị giới thiệu tiềm năng du lịch và các hoạt động du lịch năm 2023 với chủ đề “Ba địa phương - Một điểm đến - Nhiều trải nghiệm”; Phiên hội thảo chuyên đề Kết nối du lịch và hợp tác địa phương Thanh Hóa - Nhật Bản tại Hội nghị Kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023; Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Đài Loan lần thứ 10 tại Thanh Hóa; phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch “Một hành trình - Bốn địa phương - Nhiều trải nghiệm” tại Hà Nội; tổ chức các Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến du lịch giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố năm 2023 như với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Trung Bộ, các tỉnh Nam Bộ, các tỉnh Tây Bắc. Tổ chức các hoạt động quảng bá thương hiệu du lịch Thanh Hóa, các hoạt động xúc tiến gắn với Đại sứ du lịch Thanh Hóa; Tham gia gian hàng giới thiệu du lịch Thanh Hóa tại lễ hội văn hóa Ẩm thực Việt Nam tại tỉnh Quảng trị; Tổ chức Lễ công bố tuyến du lịch kết nối các huyện: Yên Định - Cẩm Thủy - Vĩnh Lộc - Thọ Xuân.
Về chỉ tiêu khách và tổng thu từ khách du lịch ước thực hiện năm 2023 đạt 12.420.000 lượt khách, tăng 12,5% so với năm 2022, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt: 615.200 lượt khách, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2022. Tổng thu du lịch ước đạt 24.500 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm 2022. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng đa dạng hơn về loại hình. Chất lượng lao động trong các cơ sở lưu trú du lịch ngày càng được nâng cao. Hoạt động quảng bá, xúc tiến, thông tin du lịch được triển khai sôi nổi, hiệu quả. Toàn ngành đã tích cực triển khai chương trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch. Đặc biệt, năm 2023, nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới được đưa vào khai thác và nhiều dự án du lịch lớn đã và đang được triển khai đã góp phần tăng tính cạnh tranh và sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, là năm thứ tư nhiệm kỳ có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng để đẩy mạnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh và của ngành. Do vậy, những “gam màu” tươi sáng trong bức tranh văn hóa, thể thao và du lịch với những hiệu quả rõ rệt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh sẽ là động lực, đòn bẩy quan trọng để tiếp tục thúc đẩy sự quan tâm đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024, góp phần thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch phát triển sự nghiệp đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025./.