TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Năm Nhầm Dần tản mạn về Hổ
10/03/2022 15:12
Năm Tân Sửu 2021 con Trâu đi qua, năm Nhâm Dần 2022 con Hổ đã đến. Hình tượng con Hổ xuất hiện từ lâu đời và gắn bó với loài người. Trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, hình ảnh con Hổ gợi lên những liên tưởng về sức mạnh, sự thanh thế, oai linh, vẻ đẹp rực rỡ nhưng đầy bí hiểm, là một biểu tượng của đẳng cấp chiến binh đồng thời toát lên vẻ đẹp khôi vĩ và sức mạnh.

Ở Việt Nam Hổ đã đi vào tiềm thức dân gian, xếp hàng thứ ba trong mười hai chi con giáp của năm. Người Việt Nam nói riêng và người Châu Á nói chung vốn rất ưu ái cho con vật này và luôn dành cho nó một sự sùng kính. Chẳng thế mà dân gian vẫn gọi Hổ là “Ông Ba mươi”, Chúa Sơn Lâm, Ngài”. Hay dùng Hổ để ví von bằng một sự tôn kính như nói về cha con cùng tài giỏi là “Hổ phụ sinh hổ tử”, nói về tướng võ oai phong là “Hổ tướng”. Nói về những con Hổ về già, đó là “Hổ xú hùng tâm tại”, tuy nằm yên một chỗ nhưng hùng tâm vẫn còn, chẳng một con vật nào dám qua mặt. Đây là ý dân gian muốn ca ngợi những vị anh hùng tuy tuổi đã cao, nhưng khí phách, hào khí vẫn không bị mất đi, vì thế chẳng một ai dám xem thường...
Nói về mặt tâm linh, Hổ thường được đặt ở trước cửa đình, chùa để canh giữ và trừ ma quỷ. Nanh Hổ được coi là thứ linh nghiệm, những người đeo nó thường coi đó là một lá bùa hộ mệnh, giúp chủ nhân khoẻ mạnh và gặp nhiều may mắn. Hổ là ác thú làm con người kinh sợ đến độ lập đền thờ, hy sinh nhân mạng để tế lễ mỗi cuối năm, như tục thờ Thần Hổ, làng Ngọc Cục, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Mặt khác, Hổ lại là phúc thần được vẽ tranh thờ để trừ tà yểm quái. Tranh Hổ còn được bày nơi đền chùa, nhất là các đền thờ Thánh Mẫu, như tranh Bạch Hổ Thần tượng đặt ở đền Quan Thánh, Hà Nội.
Ngày nay, tại miền Bắc, miền Trung Việt Nam, từ đồng bằng lên Mạn Ngược, nhiều nhà còn sùng tín vào tranh Hổ. Tục lệ thờ Thần Hổ như một biểu tượng của con vật dũng mãnh, uy linh tượng trưng cho sức mạnh có khả năng trấn giữ cửa ải ngũ phương. Trên phương diện này Hổ đã hoá thành vật linh thiêng với những cái tên trong huyền thoại dân gian thường gọi: Thần Hổ, Sơn quan thần Hổ, Lý nhĩ tướng quân, thần hộ vệ Thành Hoàng. Trong khi đó ở miền Nam Việt Nam còn có tên ông Cả Cọp, Thần Bạch Hổ... Bùa ông Hổ còn được dán và yểm ngay trước cửa ra vào nhà để trừ tà. Xuất phát từ tục thờ Hổ, thần thánh hóa loài vật này, các nghệ nhân dân gian cũng xây dựng biểu tượng Hổ qua nhiều chất liệu như: Gỗ, đá, vôi giấy, đất nung, tranh vẽ, tranh cắt giấy… Nhưng mẫu tranh được biết đến nhiều nhất là tranh Ngũ hổ của phố Hàng Trống (Hà Nội) xưa. Việc thờ Thần Hổ gắn với thờ Mẫu trong dân gian là một lệ tục tín ngưỡng văn hoá tâm linh đã trải qua nhiều mốc thời gian cho đến ngày nay vẫn đang tồn tại bóng dáng ở những ban thờ Mẫu, ở chùa, đền và miếu. Ở những nơi này, Ngôi đền nào cũng có đắp tượng Hổ ở cửa vào, coi như Thần tướng gác đền và thần tướng này cũng được khách đi lễ thắp hương, khấn vái.
Không chỉ có người Kinh, một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng có tục thờ Hổ, trong đó có người Khơ Mú sống ở khu vực Tây Bắc và miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An. Một tập quán ăn sâu vào tình cảm và tiềm thức của người Khơ Mú thuộc họ Rvai (Hổ), đó là nghi lễ cúng ma nhà (Hrôigang). Vào dịp Tết Nguyên đán, người Khơ Mú thuộc họ Hổ đã diễn lại các động tác của Hổ, vật tổ của dòng họ với ý thức tự nhắc nhở và giáo dục những người trong cộng đồng rằng mình là người họ Hổ và có nguồn gốc từ Hổ. Với quan niệm Hổ là tổ tiên của mình, người Khơ Mú thuộc họ Rvai kiêng không động tay vào Hổ, không săn bắt, ăn thịt. Trong các hội hè, các nghi lễ người hóa trang giống như Hổ. Khi gặp Hổ chết, phải khóc than thật sự như tổ tiên của mình qua đời. Người ta tin rằng khi chết đi, họ sẽ hóa thành kiếp Hổ. Khi còn sống, người ta kiêng đắp chăn sặc sỡ như lông Hổ, khi chết đắp cho chiếc chăn khác màu lông Hổ và đặt chiếc chăn giống màu lông Hổ bên cạnh người chết để hồn được siêu thoát và trở về với Hổ, có nghĩa là về với tổ tiên.
Thần Hổ vừa là huyền thoại, vừa là hiện thân của vẻ đẹp dũng mãnh, hiểm ác vì thế Hổ linh được chạm trổ trên các lăng mộ, nhang án, nó được in trên hoa văn gạch ở các móng chùa, đền, miếu cổ xưa với một mô típ đẹp uyển chuyển, nhẹ nhàng và có tính thiêng liêng. Hổ đã hoá thân thành vật linh như: Long Hổ hội tượng trưng cho sự quần tụ của giới trí thức nho học (Bảng rồng: Tiến sĩ, bảng Hổ: Cử nhân) cứ như vậy hình tượng thần Hổ vẫn tồn tại sâu trong tâm thức người dân Việt cho đến ngày nay./.

Lê Thanh

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com