TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Lễ hội Đình Thi nét đẹp văn hóa cộng đồng của người Thổ Thanh Hóa
10/03/2022 14:55
Lễ hội Đình Thi làng Trung Thành, xã Yên Lễ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa là lễ hội đặc sắc của dân tộc Thổ với sự tích hợp nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng. Lễ hội được tổ chức hàng năm từ ngày 14 - 16/3 âm lịch và cứ 5 năm một lần sẽ tổ chức đại lễ. Đây là dịp để bà con tri ân, tưởng nhớ công lao của tướng quân Lê Phúc Thành, người đã có công khai khẩn đất đai, dựng làng, lập xóm mang lại cuộc sống no ấm cho dân làng.

Theo tích xưa truyền lại, Đình Thi được xây dựng từ thời Lê sơ, là nơi thờ Dương Cảnh Bạch Y thượng đẳng tối linh thần, truyền thuyết địa phương cho là thần nhà trời và Thành Hoàng làng Lê Phúc Thành - người lập công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và chính ông là người đầu tiên chiêu mộ dân binh về đây khai sơn, phá thạch lập nên làng Sẹt trù phú (nay là làng Trung Thành). Sau một thời gian dài bị mai một, từ năm 2007 cùng với việc phục dựng lại đình, lễ hội Đình Thi đã được khôi phục, ngoài những nghi thức tế lễ, dâng cúng, một số trò chơi, trò diễn của người Thổ cũng dần được phục dựng lại. Lễ chính là ngày giỗ của Thành Hoàng làng vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Để tổ chức lễ hội được chu đáo, đặc biệt là đại lễ ngay từ đầu năm người Thổ đã họp làng và giao việc cho từng người. Trước lễ hội 6 tháng tộc trưởng dòng họ Lê phân công cho một số người có kinh nghiệm đi đến các làng trong vùng chọn một con trâu đực tơ, màu đen để chuẩn bị cho việc tế lễ. Trâu đưa về sẽ được giao cho những thanh niên chưa vợ, khỏe mạnh chăm sóc cẩn thận, hàng ngày trâu được tắm rửa sạch sẽ, ăn những thức ăn ngon, buổi tối đốt lá xông xua muỗi, đàn bà trẻ con không được đến gần… Vào ngày đại lễ người ta dắt trâu ra đình, ông Từ cáo với Thành Hoàng về việc dâng trâu tế thần linh. Chủ lễ tay cầm 3 nén hương và một chén rượu cẩn cáo với Thành Hoàng làng và các vị nhân thần cho dân làng xin phép được làm lễ. Trong khi làm lễ chủ tế khấn: “Hỡi trâu! Đừng có buồn, lát nữa trâu về với tiên tổ ông bà, dân làng chọn vinh dự này cho mày chứ không phải là con trâu nào cũng được chọn. Trâu về bên kia ngọn núi, về với thần linh phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi…”. Sau khi được hóa kiếp dân làng dùng trâu để làm lễ vật dâng cúng Thành Hoàng làng. Tục tế trâu phản ánh tín ngưỡng cổ truyền của người Mường - Việt, đã thuần hóa trâu rừng thành trâu nhà phục vụ cho sản xuất của cư dân trồng lúa nước. Tín ngưỡng đó đã được người Thổ tiếp thu một cách tự nguyện và truyền lại cho đến ngày nay.
Trong không gian linh thiêng, năm làng trong xã Yên Lễ sẽ cùng nhau rước kiệu, dâng lễ vật để tế thần. Lễ vật là những vật phẩm mà bà con làm ra, các món ăn dân gian truyền thống, trong đó không thể thiếu thủ trâu, tiết, lòng, gan và đuôi trâu… tất cả đặt trên một chiếc mâm đan bằng nan tre, dưới lót lá chuối. Ngoài ra còn bảy mâm cỗ với xôi, gà, bánh trôi, bánh ít, bánh chưng… Đi đầu đám rước bao giờ cũng là làng Sẹt với đội cờ ngũ sắc, trai làng ăn mặc sắc phục dân binh, tiếp đó là năm kiệu của các làng Thường, làng Pheo, làng Phi và làng Thượng, theo sau là đội bát âm tấu lên những khúc nhạc hùng tráng làm vang động cả một vùng. Kiệu được dân làng rước từ đình đến mộ Thành Hoàng làng và ngược trở lại. Với lòng thành kính, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, qua nén tâm nhang người Thổ gửi gắm ước mong, cầu các vị thần phù hộ độ trì, chở che cho dân làng có một cuộc sống bình yên, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Sau khi tế lễ xong, lễ vật dâng lên sẽ được chia cho người dân cùng thụ hưởng, những người ở nơi khác đến ngoài việc được thụ lộc còn được chia phần để mang về cho người thân trong gia đình.
Cùng với việc tế lễ, trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các hoạt động vui chơi cộng đồng với nhiều trò chơi, trò diễn phong phú và sôi động mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Thổ như đánh trống tăng, đi cà kheo, hát ru, hát chống chiêng và các điệu múa diễn theo tích truyện “Mụ chầy; Làm vía”… Trong ngày hội, ai ai cũng gác lại những bộn bề, lo toan của cuộc sống thường nhật, dưới ánh trăng của đại ngàn, trai gái người Thổ tụ tập thành từng tốp ở sân đình cùng nhau hát giao duyên với những lời ca đằm thắm, trong sáng, trữ tình “Có trầu mà chẳng có vôi/ Có em mà chẳng có tôi cũng buồn/ Trầu đây, thuốc vẫn ở đây/ Nhân duyên chưa định, trầu này chưa trao/ Gặp nhau ăn miếng trầu này/ Ăn rồi ta sẽ tâm bày khúc thôi…”. Qua những cuộc vui này biết bao đôi nam thanh nữ tú người Thổ đã ưng thuận và trao cả trái tim cho nhau để rồi nên duyên vợ chồng.
Lễ hội Đình Thi được tổ chức thường niên đã góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc Thổ, thể hiện một mảng màu tươi sáng trong vốn văn hóa dân gian của tộc người này. Những hình thức sinh hoạt trong lễ hội hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, góp phần giáo dục nhân cách, văn hóa tư tưởng, tạo nên sự đoàn kết đồng thuận trong Nhân dân./.

Duy Thanh

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com