Lê Lợi đã ghi vào lịch sử dân tộc với những chiến công hiển hách trong 10 năm kháng chiến đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, phục hưng dân tộc, đặt nền móng cho sự thịnh trị. Sau thời gian hơn 1000 năm Bắc thuộc, đất nước ta đã có hơn 400 năm độc lập tự chủ và từng bước xây dựng nền văn minh Đại Việt dưới các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ. Tuy nhiên sau khi Nhà Hồ thất bại trước cuộc xâm lược của Nhà Minh, đất nước ta lại rơi vào 20 năm đô hộ đầy khắc nghiệt. Những năm tháng chịu sự cai trị của giặc Minh là một thử thách lớn đối với vận mệnh dân tộc. Bằng chế độ cai trị thâm độc, Nhà Minh đã biến nước ta thành một quận huyện của Trung Quốc. Nhận định về 20 năm đô hộ của nhà Minh, Đại Việt sử ký toàn thư đã khẳng định “Xét những cuộc loạn trong cõi Việt ta, chưa bao giờ thấy tột độ như lúc này, hơn 20 năm biến phong tục thành tóc dài, răng trắng, hóa làm người Ngô cả” (1). Trong thời gian này ở nước ta đã có hơn 60 cuộc khởi nghĩa nổ ra nhưng đều thất bại và bị quân giặc nhấn chìm trong biển máu.
Trong bối cảnh lịch sử ấy, Lê Lợi nổi lên như một vì sao sáng để quy tụ lòng dân hướng về cờ đại nghĩa. Núi rừng Lam Sơn trở thành nơi để anh hùng, nghĩa sĩ tìm về. Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427) trải qua 10 năm với biết bao gian nan, thử thách “Trời thử lòng trao cho nghiệp lớn”, đã có nhiều gương hy sinh để bảo toàn đại cục như tấm gương xả thân “liều mình cứu Chúa” của Lê Lai, núi rừng che chở, Nhân dân cưu mang nghĩa quân và hào khí Lam Sơn đã tỏa sáng, để lần lượt tạo nên những chiến công hiển hách, quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Có thể khẳng định Lê Lợi là người anh hùng của một thế hệ anh hùng. Giáo sư Vũ Ngọc Khánh đã viết “Ở thời đại ấy, Lê Lợi với Việt Nam là một”(2).
Sau khi đất nước giành lại nền độc lập tự chủ, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế lập ra triều đại Hậu Lê. Từ đây, lịch sử dân tộc Việt Nam bước vào một giai đoạn mới. Cùng với việc đóng đô ở Thăng Long, vua Lê Thái Tổ đã cho xây dựng Lam Kinh, trở thành kinh đô thứ 2 của quốc gia Đại Việt. Trong thời gian 360 năm tồn tại của vương triều, Lam Kinh luôn giữ một vai trò quan trọng. Tại Lam Kinh, nhiều công trình được xây dựng mang dấu ấn cung đình và trở thành biểu tượng của tín ngưỡng tâm linh, tri ân tiền nhân. Nơi đây đã từng tồn tại: La Thành, Cầu Bạch, Sông Ngọc, Giếng cổ Lam Sơn, Ngọ Môn, Sân Rồng, Tả Vu, Hữu Vu, Chính Điện, Thái Miếu, Đông Trù, Tây giáp Thất điện... và đặc biệt đây là nơi an nghỉ vĩnh hằng của 6 vị Vua và 2 Hoàng hậu đầu thời Lê. Với tính chất đặc biệt quan trọng trong thời Lê, Lam Kinh trở thành nơi các Vua và Hoàng tộc nhà Lê trở về để làm lễ, mở hội tri ân tiên tổ, là nơi Nhân dân ngưỡng vọng công đức của các bậc anh hùng.
Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, những rêu phong của thời gian, Lam Kinh ngày nay vẫn giữ được nét hoang sơ mà cổ kính với vẻ trầm mặc linh thiêng, nơi hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đã để lại nhiều dấu tích về kiến trúc thời Hậu Lê, cùng biết bao di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, dân ca, dân vũ của vùng văn hóa Lam Sơn. Hơn 600 năm đã trôi qua nhưng các trò diễn xướng mang đậm tính cung đình, gắn với các nghi thức tế lễ tại Sơn Lăng vẫn được thế hệ con cháu đời nối đời gìn giữ và phát huy. Dưới tán đa cổ thụ trước sân đình trong khu di tích, lớp lớp nghệ nhân vẫn hăng say, miệt mài truyền dạy các tích trò Ai Lao, Ngô Quốc, Chiêm Thành… như là cách để tưởng nhớ và ngưỡng vọng về tiền nhân tiên tổ và hôm nay khi Lam Kinh đang từng bước được phục dựng, chính những trò chơi, trò diễn ấy đang từng ngày tạo nên một không gian văn hóa Lam Kinh riêng biệt, giàu bản sắc.
Hàng năm cứ vào dịp 21 - 22 tháng Tám âm lịch, người dân xứ Thanh lại nô nức đổ về Khu di tích lịch sử Lam Kinh để tưởng nhớ, tri ân người anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các tướng sỹ, tầng lớp Nhân dân tham gia khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược, những người đã góp phần xây dựng nên một triều đại thịnh vượng tồn tại đến 360 năm.
Tiếp bước cha ông, phát huy hào khí Lam Sơn quật khởi, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã và đang phấn đấu vượt qua trở ngại, nắm bắt cơ hội, tận dụng thời cơ, quyết tâm xây dựng khối đoàn kết thống nhất, phát huy trí tuệ, lao động sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước và trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.Xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới của vùng và cả nước như Nghị quyết số 58-NQ/TW đã đề ra./.
Chú thích:
1. Ngô Sĩ Liên và Sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội (bản in năm 2003), Hà Nội, tập 2, tr. 212
2. Vũ Ngọc Khánh Lê Lợi con người và sự nghiệp (2008), Nxb Thanh Hóa, tr. 165
Vũ Đình Sỹ