Lam Kinh hấp dẫn, cuốn hút, khiến con người ta chìm đắm trong một khung cảnh trầm mặc của không gian kiến trúc cổ, cảnh quan thiên nhiên xanh được phủ bởi hàng trăm hecta rừng đặc dụng, dòng sông Chu uốn lượn bao bọc đằng ngoài, hồ Như Áng, hồ Tây và sông Ngọc bao bọc đàng trong. Ở giữa là hệ thống công trình kiến trúc - nghệ thuật, hệ thống Lăng mộ của các Vua và Hoàng hậu đầu triều Lê Sơ, khu Sơn Lăng linh thiêng, cổ kính vừa đậm nét cung đình, vừa mang nét dân gian truyền thống.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá của thời gian, khu Thành điện Lam Kinh vẫn cho thấy những giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo qua khai quật khảo cổ. Theo tài liệu ghi lại, Thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng trên cơ sở tận dụng, cải biến môi trường tự nhiên, dựa vào thế đất hình sông kết hợp cùng tư duy phong thủy đã tạo ra cho nơi đây một không gian bề thế nhưng rất gần gũi và linh thiêng, in đậm vào tâm thức dân gian. Cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú miêu tả “Điện Lam Kinh đằng sau gối đầu vào núi, trước mặt ra sông, bốn bên nước non xanh biếc, rừng rậm um tùm… Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước phẳng, giống như trước điện nhà Vua coi chầu. Ngoài cửa Nghi Môn có hai con chó ngao bằng đá, tục truyền là rất thiêng. Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ Công, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu ở kinh sư. Theo từng bậc mà lên, rồi từ đó trông xuống thì thấy núi khe hai bên Tả, Hữu, cái nọ, cái kia vòng quanh thật là một chỗ để xây dựng cơ nghiệp”.
Ở vị trí trung tâm nằm phía Bắc Thành điện Lam Kinh là núi Dầu, vừa là điểm tựa, vừa là hậu chẩm của khu miếu điện, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu Hoàng Thành, Cung điện và Thái Miếu được bố trí xây dựng theo trục Nam Bắc trên một khoảng đồi gò có dáng hình chữ Vương. Đây được xem là mảnh đất “hội sơn tụ thủy” hiếm có trên dải đất hình chữ S. Trong một lần về bái kiến Sơn Lăng năm Bính Tý (1456) vua Lê Nhân Tông đã lệnh cho các đại thần đặt tên các điện, đồng thời ra lệnh “mọi việc ở đền thờ phải thành kính, tinh khiết…”. Có lẽ vì vậy, dù đã trải qua hơn 6 thế kỷ nhưng về với Lam Kinh con người như trở về với tính thiêng, nơi biểu hiện cho tinh thần và niềm tự hào dân tộc, nơi hội tụ của “hồn thiêng sông núi”, nơi trở về của con dân xứ Thanh và con dân đất Việt.
Lam Kinh tựa như tấm gương phản chiếu xác thực về một thời kỳ phát triển huy hoàng của lịch sử dân tộc. Di sản này đã trải qua nhiều lần hưng vong cùng vận nước và thậm chí đã trở thành phế tích suốt một thời gian dài. Chính vì lẽ đó, tôn vinh và bảo vệ các giá trị vô giá của Lam Kinh là yêu cầu bức thiết đặt ra cho hậu thế. Năm 1962, Lam Kinh đã được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia. Đến ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Lam Kinh là Di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt. Đồng thời, việc đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị di sản này đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Thanh Hóa và của giới khoa học.
Những gì Lam Kinh hôm nay lưu lại cho hậu thế vẫn mang tính trường tồn, bất diệt. Đó là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hướng về cội nguồn, là tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí quật cường, hào khí chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo giành lại độc lập cho đất nước. Bên cạnh đó là hệ thống các Di tích lịch sử gắn liền với triều đại nhà Hậu Lê như khu Điện miếu thờ cúng, Khu Lăng mộ và Nhà bia của các vị Vua và Hoàng hậu, trong đó có bia Vĩnh Lăng (hay còn gọi là Lam Sơn Vĩnh Lăng bi) được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những tấm bia thời Lê sơ có niên đại lịch sử lâu đời, to và đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Ở đó giá trị nghệ thuật, điêu khắc được hiện hữu trên từng nét hoa văn, từng đường chạm khắc vô cùng tinh xảo. Giá trị văn hóa và tinh thần dân tộc tỏa sáng qua những áng “Thiên cổ hùng văn” do các nhà văn hóa vĩ đại thời Lê như: Nguyễn Trãi, Thân Nhân Trung... còn lưu lại. Các công trình đang dần được phục hồi tôn tạo với vẻ uy nghiêm, kỳ vĩ. Cung điện, Thái Miếu với những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật từ ngàn xưa đang dần tái hiện mang lại cho Lam Kinh diện mạo mới, sức hút mới.
Khi nói về những giá trị của Lam Kinh, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến di sản văn hóa tinh thần lễ hội Lam Kinh, tuy rằng lễ hội Lam Kinh năm nay không thể tổ chức như định kỳ hàng năm do những diễn biến khó lường, phức tạp của dịch Covid- 19. Thế nhưng, giữa tháng 8 âm lịch này, trên mảnh đất thiêng, trong không khí trang nghiêm của “kinh đô tưởng niệm” khách thập phương và con cháu vẫn tìm về dâng hương bái yết. Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đã để lại nhiều dấu tích về kiến trúc thời Hậu Lê, cùng biết bao di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, dân ca, dân vũ của vùng văn hóa Lam Sơn. Hơn 600 năm đã trôi qua nhưng các trò diễn xướng mang đậm tính cung đình, gắn với các nghi thức tế lễ tại Sơn Lăng vẫn được thế hệ con cháu đời nối đời gìn giữ và phát huy. Dưới tán đa cổ thụ trước sân đình trong khu Di tích, lớp lớp nghệ nhân vẫn hăng say, miệt mài truyền dạy các tích trò Ai Lao, Ngô Quốc, Chiêm Thành… như là cách để tưởng nhớ và ngưỡng vọng về tiền nhân tiên tổ, và hôm nay, khi Lam Kinh đang từng bước được phục dựng, chính những trò chơi, trò diễn ấy đang từng ngày tạo nên một không gian văn hóa Lam Kinh riêng biệt, giàu bản sắc.
Lam Kinh hôm nay đã hồi sinh cả về diện mạo bề thế và sự trang nghiêm, nhưng những giá trị xưa cũ vẫn mãi trường tồn. Với vô số trầm tích văn hóa đã phát lộ hay còn nằm sâu trong lòng đất, trong đời sống cộng đồng ta có thể khẳng định Lam Kinh là nơi lưu giữ nhiều giá trị từ nghìn xưa, đã, đang và mãi là chỗ dựa tinh thần góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển quê hương xứ Thanh nói riêng, tổ quốc Việt Nam nói chung./.
Vũ Đình Sỹ