TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Khèn bè - Linh hồn và bảo vật của dân tộc Thái
03/01/2023 09:44
Đối với người Thái ở vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Quan Hóa nói riêng, Khèn bè thật gần gũi, thân thương, Khèn được chủ nhân chăm sóc cẩn thận và luôn mang bên mình. Họ coi chiếc Khèn bè như một người bạn thân thiết nhất, những lúc vui hoặc buồn, tiếng Khèn cất lên như lời thủ thỉ, an ủi và động viên bản thân mình và mọi người trong cộng đồng.

Chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa thuộc xứ sở người Thái ở Mường Ca Da (thuộc thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa ngày nay), ở bản Chiềng có chàng trai tên là Văn Sinh trẻ đẹp và tài hoa, nhất là khi thổi Sáo ôi, Pí pặp, thổi hay đến mức các cô gái bản Thái đều ao ước được làm vợ chàng. Thời gian trôi đi, Văn Sinh cưới một cô gái vừa đẹp người lại đẹp nết trong bản, vợ chồng họ sống với nhau rất hạnh phúc. Ngày ngày họ cùng lên nương chăm sóc cây ngô, cây lúa, những lúc nghỉ ngơi, Văn Sinh thổi Sáo ôi đệm cho vợ hát Khắp, tiếng Sáo hòa quyện tiếng Khắp ngân vang khắp núi rừng.
Cuộc sống đang tươi đẹp thì bỗng Văn Sinh bị bệnh hủi. Gia đình đã tìm mọi phương pháp để chữa bệnh cho chàng, nhưng thời bấy giờ chưa có thuốc chữa bệnh. Từ đó Văn Sinh sống tách biệt trong một không gian chật hẹp, lạnh lẽo, chàng không biết làm gì khác ngoài việc thổi Sáo ôi, Pí pặp. Một hôm do quá ngứa ở chân, nên Văn Sinh không may đè vỡ chiếc Sáo ôi yêu quý, chàng ngửa mặt kêu trời: Ông trời ơi! sao ông lại nỡ hại tôi thế này và thiếp đi. Khi tỉnh dậy thì trời đã sáng, Văn Sinh bò ra ngoài rửa mặt thì chợt thấy một bó “Mạy Páo” (thuộc họ cây nứa) ở trên thượng nguồn trôi đến và dạt vào cạnh nhà bè. Với tài năng vốn có và trí sáng tạo, khi nhìn thấy những cây Páo Văn Sinh đã làm ra một chiếc Khèn, nhưng vì các ống giống nhau về kích thước, nên khi thổi thì âm thanh phát ra giống nhau. Chán nản chàng quẳng chiếc Khèn vào góc nhà, vài hôm sau chàng lại đem chiếc Khèn ra thổi, âm thanh vẫn như cũ. Tức quá, chàng cầm lấy con dao phạt chéo phần trên chiếc Khèn và chàng thổi thử, tức thì âm thanh các ống khác nhau tạo thành âm cao, âm vừa và âm thấp. Từ đó chàng chỉnh dần các ống cho hợp lý, dễ sử dụng và chiếc Khèn bè ra đời.
Khèn bè thường có cấu tạo ống theo số chẵn. Tùy theo dân tộc mà nó có 6, 8 hoặc 10 ống nứa tép (mạy páo). Những ống này xếp thành 2 hàng xếp cạnh nhau. Bầu Khèn làm bằng gỗ nhẹ, dẻo có thớ vặn nên khó nứt. Ở đầu bầu Khèn có một lỗ gọi là lỗ thổi, những ống Páo xuyên qua bầu và được trét sáp ong ruồi để làm kín các khe hở.
Khèn bè có âm sắc giòn, mảnh và hơi rè. Mỗi ống phát ra 1 âm nhất định, bên trong ống Páo có lưỡi gà bằng đồng, hay bạc hoặc nghệ nhân nấu đồng và bạc thành lưỡng kim có chất lượng tốt hơn.
Khèn bè là nhạc cụ đa thanh, âm vực rộng khoảng 1,5 quãng 8, có đủ 7 nốt nhạc. Khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các làn điệu dân ca, nhạc hiện đại và làm nền cho các điệu dân vũ. Bởi vậy, Khèn bè có nhiều sự khác biệt với những cây Khèn của các dân tộc khác và luôn có vị trí nhất định trong đời sống nghệ thuật của người Thái.
Điều đặc biệt là ở Khèn bè Thái có những âm thanh sóng đôi như: Lả - lá; 2 nốt rế; 2 nốt son; đồ - đố; phà - phá, mà các nghệ nhân xưa gọi là Pó - Mé (tức là bố - mẹ). Đó cũng là triết lý âm - dương, sự sinh sôi phát triển của cuộc sống được thể hiện vô cùng tinh tế.
Bác Bun Sơi, nghệ nhân chế tác Khèn bè quê ở xã Mường Chanh, huyện Mường Lát đã từng lặn lội sang bên nước bạn Lào để tầm sư học đạo. Sau một thời gian
dài học với các nghệ nhân, tay nghề của bác hiện nay rất điêu luyện, bác bộc bạch: “Khèn bè là loại nhạc cụ đặc trưng và có vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái. Để chế tác được cây Khèn bè phải qua rất nhiều công đoạn, cùng với sự tỷ mẩn và tài hoa của bàn tay người thợ. Đặc biệt, phải thật sự yêu thích đam mê nó thì mới có thể làm ra một cây Khèn ưng ý. Cây Khèn tốt khi thổi lên phải thấy được nỗi lòng của người thổi và người làm ra nó. Đằng sau sự khắc nghiệt của vùng núi cao là những tâm hồn bình dị, lặng lẽ và khát vọng sống, khát vọng được hòa mình vào thiên nhiên của con người nơi đây”.
Nghệ nhân trẻ Vi Văn Thái ở bản Hang, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa và gần 50 nghệ nhân trong huyện đã có nhiều năm kinh nghiệm sử dụng khèn bè. Anh Thái tâm sự: “Tôi học thổi Khèn bè với các nghệ nhân từ lúc lên 7 tuổi, tính đến giờ cũng đã 30 năm rồi đấy. Tiếng Khèn làm da diết lòng ai, chính bởi giai điệu mộc mạc, ân tình của Khèn bè đã khiến mình say mê với nó”.
Trải qua thời gian, cuộc sống có nhiều thay đổi, nhiều loại nhạc cụ hiện đại xuất hiện ở đâu đó ở những khu dân cư, nhưng người Thái vẫn luôn giữ gìn chiếc Khèn bè của dân tộc mình. Tiếng Khèn là phần hồn của người Thái và giữ tiếng Khèn là giữ bản sắc dân tộc. Với ước mơ cho mùa màng được tươi tốt, cho bản làng yên vui, cho tình yêu đôi lứa nhân đôi niềm hạnh phúc, giai điệu dặt dìu của tiếng khèn đã góp phần làm cho tâm hồn người Thái trở nên trong mát, ngọt lành, cho đất trời vùng cao thêm nồng nàn, cháy bỏng…
Là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, Khèn bè cũng giống như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một. Những nghệ nhân có khả năng trình diễn và chế tác Khèn bè không còn nhiều. Không gian biểu diễn bị thu hẹp, đồng bào dân tộc không có điều kiện tiếp cận thưởng thức các giai điệu Khèn bè. Đây là một khó khăn lớn đối với công tác bảo tồn văn hóa ở các địa phương của người Thái nói chung và huyện Quan Hóa nói riêng.
Trước nguy cơ có thể mất đi làn điệu Khèn bè dân tộc Thái, huyện Quan Hóa đã có chủ trương bảo tồn Khèn bè bằng nhiều hình thức khác nhau trên cơ sở gìn giữ những giá trị nguyên gốc. Cùng với việc sưu tầm, ghi lại các làn điệu Khèn bè cổ, Ngành Văn hóa huyện đã quan tâm đến việc phát huy vai trò của các nghệ nhân trong công tác truyền dạy Khèn bè. Tháng 11 năm 2019, Câu lạc bộ Khèn bè Mường Ca Da huyện Quan Hóa ra đời, với trên 50 thành viên tham gia do ông Cao Bằng Nghĩa làm Chủ nhiệm, cho đến nay số lượng thành viên vẫn duy trì và sinh hoạt đều đặn.
Thành công bước đầu từ mô hình bảo tồn các làn điệu Khèn bè tại các bản, các xã, thị trấn trong các huyện vùng cao tỉnh Thanh Hóa đã mở ra một hướng mới trong công tác gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Để Khèn bè sống mãi thì không có gì tốt hơn là việc đưa Khèn bè trở về với cuộc sống, do chính đồng bào tiếp tục phát huy và gìn giữ để tiếng Khèn bè mãi mãi ngân vang giữa núi rừng vùng cao Thanh Hóa./.

Cao Bằng Nghĩa

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com