Trên địa bàn huyện Nga Sơn hiện còn lưu giữ được các làng nghề thủ công, tập trung ở 4 nhóm nghề truyền thống chính gồm nghề dệt chiếu cói, nghề mây tre đan, thủ công mỹ nghệ và nấu rượu; 23 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận (20 làng nghề dệt chiếu cói, 1 làng nghề mây tre đan, 2 làng nghề nấu rượu). Bước vào thời kỳ đổi mới, huyện Nga Sơn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển ngành nghề phù hợp với tình hình thực tiễn; nhờ vậy nhiều ngành nghề truyền thống ở nông thôn đã được khôi phục và phát triển. Giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động ở các làng nghề và dân cư trên địa bàn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm đến nay cũng đã vươn xa, mở rộng thêm các thị trường mới, tạo sự sôi động cho thị trường tiêu thụ hàng cói và các sản phẩm được làm từ cói đang ngày càng phong phú và đa dạng về chủng loại, mẫu mã, bao bì.
Nhìn chung, sự phát triển làng nghề và làng nghề truyền thống trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu nông thôn của huyện theo hướng giảm nhanh, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông thôn; góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Sản xuất tại các làng nghề đã tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của huyện liên tục tăng. Một số cơ sở sản xuất tại làng nghề bước đầu đã tạo dựng được uy tín, chất lượng và thương hiệu hàng hóa của mình đối với người tiêu dùng trong nước và từng bước chiếm lĩnh thị trường ở một số nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha,…
Tiếp sức cho làng nghề, nghề truyền thống phát triển, trong những năm qua, huyện Nga Sơn đã xây dựng các khu, cụm công nghiệp làng nghề để giúp các hộ có mặt bằng mở rộng sản xuất. Đến nay, huyện đã xây dựng 3 cụm công nghiệp, làng nghề liên xã, với tổng diện tích trên 60ha. Giai đoạn 2021-2025, việc phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống tiếp tục được huyện Nga Sơn đặc biệt quan tâm. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề, nghề truyền thống; mở rộng quy mô, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất... Phấn đấu đến năm 2025, mỗi xã có ít nhất một làng nghề; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 15.000 lao động.
Chiếu cói Nga Sơn.
Để đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra, trong thời gian tới huyện Nga Sơn cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; đổi mới tư tưởng nhận thức của cán bộ và Nhân dân trong việc xây dựng, phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, về phát triển TTCN và làng nghề tới các ngành, các cấp; từng đơn vị, chi hội, chi bộ và Đảng bộ đưa việc phát triển nghề - làng nghề thành một chỉ tiêu phát triển kinh tế và thi đua khen thưởng hàng năm. Kịp thời giới thiệu những mô hình và cá nhân sản xuất giỏi, những ngành nghề sản xuất hiệu quả kinh tế cao để học tập, bằng nhiều hình thức qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội thi, hội thảo. Chú trọng công tác đào tạo, phát triển nghề; tăng cường xúc tiến thương mại, tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm. Duy trì và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, duy trì làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống, xây dựng phát triển làng nghề gắn với quy hoạch nông thôn mới.
Các địa phương chủ động lập các dự án đầu tư xây dựng các làng nghề. Xác định sản phẩm truyền thống, sản phẩm chính của làng nghề, kết hợp với các ngành công nghiệp, hình thành sự phân công theo hướng chuyên môn hoá và hợp tác hoá. Lựa chọn, bồi dưỡng, hỗ trợ một số hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh có hiệu quả, năng động làm nòng cốt nhằm thu hút lao động tại địa phương, dần hình thành các cụm, điểm sản xuất hàng TTCN hoạt động sản xuất kinh doanh năng động. Khuyến khích các cơ sở sản xuất TTCN, làng nghề truyền thống, sản xuất các sản phẩm có tính đặc trưng, có khả năng cạnh tranh, có giá trị kinh tế. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm hàng hóa. Tranh thủ nguồn vốn khuyến công của tỉnh, phối hợp tốt với các ngành, đơn vị, địa phương để đẩy mạnh các hoạt động khuyến công.
Đặc điểm chung của các làng nghề thủ công ở huyện Nga Sơn chính là sự gắn kết cộng đồng chặt chẽ, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa làng quê. Khi ghé thăm các làng nghề thủ công nơi đây không khó để bắt gặp hình ảnh người dân quây quần trong nhà, ngoài sân, ngoài ngõ cùng nhau làm nghề với tiếng cười nói rôm rả, cư xử với nhau vui vẻ, hòa thuận. Chính nghề thủ công đã khiến dân làng xích lại gần nhau hơn, tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Giá trị văn hóa trong các làng nghề truyền thống ở Nga Sơn luôn được các thế hệ người dân gìn giữ trong từng sản phẩm thể hiện sự gắn kết giữa con người với con người, gia đình với làng xã. Giá trị văn hóa ấy sẽ còn mãi với thời gian cùng sự phát triển xã hội hôm nay./.
Thu Hương