TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Hoằng Hóa gìn giữ nét văn hóa của cổng làng
31/08/2021 15:11
“Nhà có nóc, làng có cổng” đó là câu ca dao xưa truyền lại. Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành phát triển của một ngôi làng. Ngoài mục đích như ranh giới phân chia, cổng làng còn là nơi lưu giữ những giá trị của đời sống văn hoá tinh thần gắn với lũy tre, giếng nước và mang phong cách, hồn cốt của làng.

 

Là địa phương có bề dày về truyền thống lịch sử - văn hóa, huyện Hoằng Hóa hiện nay có 36 xã, 01 thị trấn và 193 thôn, trong đó có trên 30 cổng làng xã, 120 cổng làng thôn. Trong nhiều năm trở lại đây, người dân Hoằng Hóa đã dành nhiều tâm huyết, công sức và tiền của để phục dựng những chiếc cổng làng đã xuống cấp hoặc bị phá bỏ, nhằm khơi dậy và gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc trưng của địa phương. Hiện nay, nhiều xã trong huyện đã tôn tạo, xây dựng lại được cổng làng như: Làng Nhân Ngọc, xã Hoằng Ngọc; làng Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, làng Cự Đà, xã Hoằng Minh; làng Phú Khê, xã Hoằng Lộc;… Thực tế cổng làng to hay nhỏ, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và sự tài trợ từ các cá nhân, tập thể, các tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương. Tại xã Hoằng Ngọc, trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, phong trào xây dựng cổng làng được cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Đặc biệt cổng làng Nhân Ngọc (xã Hoằng Ngọc) được xây dựng theo kiến trúc cổng làng Việt truyền thống, phía trên được xây mái, trên nóc cổng được trang trí, chạm khắc biểu tượng “Vinh quy bái tổ”. Kinh phí xây dựng cổng làng gần 3 tỷ đồng, từ tài trợ của 1 người con xa quê. Hay như cổng làng Nội Tý - xã Hoằng Đức với tổng kinh phí hơn 380 triệu từ nguồn xã hội hóa và Nhân dân tự nguyện đóng góp, đặc biệt, dòng họ Vũ Văn của làng được tài trợ toàn bộ phần thi công. Ông Vũ Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Hoằng Đức chia sẻ: “Việc đóng góp của các hộ dân để xây dựng cổng làng là hoàn toàn tự nguyện, mức đóng góp tùy theo sự hảo tâm chứ không phải bắt buộc. Từ khi cổng làng được khởi công xây dựng lên, sự đoàn kết, nghĩa tình giữa các hộ dân trong làng ngày càng tăng lên, để từ đó, cùng góp sức xây dựng khu dân cư văn minh”. Ông cho biết thêm trước khi xây dựng thôn đã tổ chức các cuộc họp để Nhân dân thảo luận, bàn bạc, tham khảo về mẫu mã, kích thước tại một số địa phương, sau đó dựa theo phong tục văn hóa truyền thống của làng tích cực vận động, kêu gọi Nhân dân đóng góp công sức để xây dựng. Có thể khẳng định, việc xây dựng cổng làng đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của mỗi làng quê.
Cổng làng thôn Đông Khê, xã Đan Phượng như cánh tay dang rộng đón mọi người về với ngôi làng Đông hiếu học, mến khách. Cụ Nguyễn Xuân Tương (80 tuổi) kể: “Sinh ra và lớn lên tại quê hương, tôi được chứng kiến giá trị nghệ thuật kiến trúc của 2 cổng làng cũ và mới. Cổng làng xưa và nay đều rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu đã thể hiện được hồn quê, cốt cách của mỗi làng xã nên cần được bảo tồn và lưu giữ. Trước đây, thôn Đông Khê có cổng làng nhưng vào năm 1967 đã bị phá dỡ. Nhân dịp Kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, người dân địa phương đã họp bàn và quyết định xây dựng lại cổng làng”.
Thực tế cho thấy, hệ thống cổng làng ở Hoằng Hóa về tổng thể là những công trình được tôn tạo, xây mới theo kiểu kiến trúc cổ, các mảng kiến trúc liên kết với nhau, tạo nên sự bền vững, hài hòa. Vòm cổng được thiết kế tuỳ thuộc vào diện tích rộng của trục đường, địa lý, vị trí của xóm. Ở phần trụ cổng, mặt trước thường có câu đối bằng chữ Hán hoặc chữ Quốc ngữ với nội dung nói về phong tục, tập quán, về thành tích hoặc định hướng, triết lý phát triển của làng. Phần mặt cổng thường trang trí bằng đại tự là tên của thôn, xóm. Ngoài ra, phong cách kiến trúc, họa tiết trên cổng làng còn phụ thuộc vào địa hình, một số công trình văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của làng như đình, đền, chùa để bảo đảm sự hài hòa trong cảnh quan kiến trúc cũng như phong thủy. Bởi vậy có nơi đắp hình “tứ linh”, có nơi sử dụng các họa tiết đơn giản hơn như tùng, cúc, trúc, mai..., tượng trưng cho ước vọng cuộc sống ấm no, đầy đủ, an lành.
Mỗi cánh cổng làng nơi đây từ xưa đến nay đều có một nét văn hóa truyền thống riêng tuỳ theo đặc điểm của làng, cùng với nhà văn hóa, đường giao thông nội đồng, cổng làng là một trong những thiết chế văn hóa ở cơ sở có ý nghĩa thiết thực trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong xây dựng Nông thôn mới ở cơ sở. Cổng làng còn gắn liền với tên đất, tên làng mà ông cha ta đã từng xây dựng từ thuở mở đất, lập làng. Phía sau cổng làng là cuộc sống bình yên, là sự kết nối, giao lưu thân tình của những gia đình, dòng họ, kết thành những chòm xóm với sợi dây gắn bó bền chặt là huyết thống, hôn nhân; là những thế hệ tam đại, tứ đại đồng đường cùng quây quần bên nhau, sống có tôn ti trật tự, nghi lễ được thực hành thường xuyên với những bài học về đạo lý, về tư cách làm người; là những điều lệ quy định chặt chẽ trong hương ước; là tấm gương sáng của những thế hệ đi trước lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo không gian, môi trường sống đậm chất văn hóa. Những nét kiến trúc, những đại tự, câu đối trên cổng làng đều có ý nghĩa dạy bảo con cháu mỗi lần đi về đọc để hiểu, để làm người. Những chữ nghĩa trên cổng làng còn để cho những người khách của làng hiểu phong tục, tập quán của làng ra sao.
Nhằm phát huy nét đẹp văn hoá cổng làng trong đời sống hiện đại, thời gian tới, huyện tiếp tục thống kê những thôn, xóm có cổng làng, lập kế hoạch bảo vệ và quản lý, đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng cho các xã, thị trấn có dự án xây dựng cổng làng. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ những cổng làng đã xuống cấp, đầu tư xây mới và hoàn thiện hệ thống cổng làng ở những thôn, xóm chưa có, để cổng làng phát huy giá trị trong công tác giáo dục văn hóa, niềm tự hào truyền thống của quê hương Hoằng Hóa cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.

Tuyết Mai

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com