TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Đệm bông lau - Nét đẹp trong văn hóa người Thái Thanh Hóa
09/03/2021 10:51
Miền núi phía Tây xứ Thanh không chỉ nổi tiếng với những dãy núi non trùng điệp, khung cảnh nên thơ, hùng vĩ. Nơi đây còn chứa đựng một không gian văn hóa truyền thống đồ sộ của các dân tộc. Trong đó phải kể đến nét văn hóa thổ cẩm của người Thái, từ xa xưa họ đã biết trồng dâu, nuôi tằm và dệt vải. Bằng sự tài hoa và trí tưởng tượng phong phú người phụ nữ Thái đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật qua từng đường kim, mũi chỉ thể hiện rõ trong các họa tiết hoa văn trên chiếc váy hay chiếc khăn Piêu và đệm bông lau được xem là nét đẹp văn hóa điển hình của đồng bào dân tộc Thái.
Đệm bông lau của người Thái.

Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều dân tộc biết làm và sử dụng đệm bông lau. Tuy nhiên, người Thái được xem là dân tộc có kinh nghiệm lâu đời và sử dụng đệm bông lau nhiều nhất. Đệm bông lau tiếng Thái gọi là “Xựa boọc lau”, đây là vật dụng không thể thiếu trong cộng đồng người Thái. Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến những bản người Thái Thanh Hóa sẽ dễ dàng nhìn thấy bên nếp nhà sàn, ở phòng khách hay phía trong buồng ngủ bất cứ gia đình nào cũng có ít nhất vài chiếc đệm bông lau.
Tục ngữ Thái có câu “Mười một tuổi biết đội tóc/ mười hai tuổi biết ngồi khung dệt vải”, vì thế, mỗi người con gái Thái ngay từ khi biết lên nương, làm việc nhà, đã được các bà, các mẹ dạy cách thêu thùa, dệt vải và tự tay làm ra được chiếc đệm bông lau, đó như một quy chuẩn chung và tiêu chí để đánh giá sự khéo tay hay làm, nết ăn nết ở của cô gái. Trong quan niệm của họ, mỗi thiếu nữ khi đến tuổi lấy chồng ngoài việc chuẩn bị trang phục cho gia đình nhà chồng còn phải đem theo bộ chăn đệm nằm, bộ đệm gối, đệm ngồi và một bộ váy áo do chính tay các cô làm ra để chứng tỏ sự đảm đang, biết lo toan cho cuộc sống sau này.
Để làm ra một chiếc đệm bông lau đẹp, đúng tiêu chuẩn đòi hỏi các công đoạn đều hết sức tỉ mỉ và kì công. Theo kinh nghiệm của người Thái vào những ngày cuối năm là thời điểm thu hoạch lau tốt nhất, bởi đây là lúc bông lau ở độ chín tới. Nếu hái già quá thì hạt bông chắc, khi phơi khô làm đệm sẽ nặng, thiếu sự mềm mỏng, hái non quá sẽ rất tốn bông và vỏ đệm nhanh hỏng. Hái lau là công đoạn đầu tiên và được xem là vất vả nhất. Khi vụ mùa đã thu hoạch xong, bông lau nở rộ khắp sườn núi, người con gái mang gùi trên lưng, leo lên từng mỏm núi để hái bông lau trong cái lạnh như “cắt da, cắt thịt”. Lau sau khi hái về sẽ được chất thành đống nơi khô ráo, ủ khoảng vài ngày rồi tuốt lấy hoa đem phơi nắng, làm vậy hoa sẽ có màu trắng và nở bông đều. Do nguyên liệu làm ruột đệm đều là nguyên liệu tự nhiên nên bông lau sẽ được người Thái thu hoạch, tích trữ mùa này qua mùa khác, tới khi đủ mới đem ra làm.
Vải làm đệm bông lau truyền thống phải là vải thô nhuộm chàm hoặc dệt thổ cẩm. Nhà có điều kiện sẽ thêm diềm trang trí bằng vải hoa, hoặc vải đỏ khác màu với vải chàm để chiếc đệm thêm sặc sỡ. Chỉ khâu Đệm bông lau cũng phải se thật chắc, thường là 6 sợi trở lên chập vào nhau. Khi làm, mặt đệm được chia thành các ô vuông nhỏ rồi khâu lại để khi lộn ra thành các góc của ô vuông. Thao tác đó gọi là “bắt con”. Việc khâu đệm đòi hỏi phải có sự kiên trì cũng như độ chính xác cao, nếu các góc của đệm không vuông, mặt đệm khó có thể căng phồng một cách đều đặn. Công đoạn này cần những người có kinh nghiệm trực tiếp làm hoặc ngồi ngay bên cạnh để hướng dẫn, chỉ bảo cho người khác.
Sau khi khâu xong đến giai đoạn nhồi lau. Số lượng lau nhiều hay ít tùy thuộc vào kích thước của chiếc đệm. Lau càng được nhồi căng thì đệm

sẽ càng chặt, khi nằm không bị xẹp mỏng xuống. Khi nhồi lau người nhồi phải chú ý đến phần diềm xung quanh để thành đệm đủ độ cứng, thẳng đứng và dày từ 4-5cm thì đệm mới đẹp. Điểm nhấn của chiếc đệm bông lau là phần vỏ của đệm, tùy vào sở thích, ý tưởng của từng người phụ nữ mà mỗi chiếc đệm sẽ có cách trang trí khác nhau. Có lẽ vì vậy, đệm bông lau không đơn thuần chỉ là một vật dụng dùng trong gia đình mà chất chứa trong đó là những tâm tư, tình cảm, nỗi niềm của mỗi cô gái Thái. Đó là tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình được họ trân trọng, nâng niu và gửi gắm qua từng đường kim mũi chỉ.
Tâm sự với chúng tôi, chị Vi Thị Thanh người con dân tộc Thái tại xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân cho biết: “Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm thổ cẩm, từ bé chị đã được bà, mẹ dạy cho cách làm đệm bông lau, tuy vất vả nhưng con gái Thái khi sắp về nhà chồng phải thật sự thành thạo và làm được đệm. Lấy chồng rồi đó xem như của hồi môn mình đem

theo, đây được xem như một mỹ tục của người Thái. Dù cuộc sống hiện đại đang len lỏi vào từng ngõ làng, nhưng chị vẫn luôn tự hào vì nét đẹp này vẫn đang được thế hệ trẻ như chị gìn giữ và phát huy”.
Ngày nay, trên thị trường có rất nhiều loại đệm sang trọng, mẫu mã đa dạng và hiện đại nhưng chiếc đệm bông lau vẫn giữ vị trí quan trọng trong cộng đồng người Thái. Mỗi chiếc đệm là những cánh bông lau trắng tựa như nét đẹp tinh khôi của những cô gái Thái đến tuổi trăng rằm ở giữa núi rừng đại ngàn. Đó còn là ước nguyện về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy tại một số bản làng những chiếc đệm bông lau đang dần thưa bóng trong cuộc sống, nhưng chúng ta vẫn tự hào rằng nơi vùng núi cao phía Tây Thanh Hóa vẫn có không ít những người trẻ đang trăn trở để tìm cách bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa này./.

Minh Tịch

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com