TIN TỨC
Đào tạo kỹ năng số cho lao động - Con đường đi đến thành công chuyển đổi số quốc gia
04/10/2022 11:09
Đại dịch Covid-19 cùng tốc độ xoay chuyển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra thách thức rất lớn cho lực lượng lao động, một nguồn lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó, Việt Nam cần tăng cường cơ hội tiếp cận đào tạo kỹ năng số cho lao động trẻ, để hình thành nên lực lượng lao động số - yếu tố nòng cốt để phát triển kinh tế - xã hội đất nước và xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) bùng nổ mạnh mẽ với sự xuất hiện của robot, trí tuệ ảo, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn… cùng chất xúc tác là dịch bệnh Covid-19, cơ cấu việc làm trên toàn cầu đã và đang có xu hướng chuyển đổi sang tự động hóa, số hóa. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Thực hiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cơ cấu thị trường lao động Việt Nam cũng đang trong vòng quay dịch chuyển, thay đổi theo hướng từ các ngành sử dụng nhiều lao động sang các ngành ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, sự phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao đang ngày càng rõ nét. Điều này không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu người lao động không được trang bị các kiến thức mới, kỹ năng số cần thiết.

Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao được xác định là nhân tố quyết định sự phát triển của quốc gia. Do đó, để nâng cao kỹ năng cho người lao động thích ứng xu hướng số hóa, tự động hóa của CMCN 4.0, thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng và ban hành hàng loạt các văn bản, chính sách tập trung đào tạo kỹ năng cho người lao động như: Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 Phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư”… Đây là những cơ sở pháp lý nền tảng để Việt Nam thực hiện các giải pháp tăng số lượng lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường; xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc CMCN; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để chuẩn bị cho việc hình thành nguồn nhân lực lao động số tương lai của đất nước, ngay từ các cấp học phổ thông, thậm chí là cấp học mầm non, nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đưa hoạt động giáo dục STEM-STEAM sáng tạo vào chương trình dạy học một cách linh hoạt như: dạy học các môn khoa học theo bài học STEM-STEAM; tổ chức hoạt động trải nghiệm; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Phương pháp giáo dục này đã mở ra cơ hội cho học sinh được trải nghiệm môi trường sáng tạo, phát triển tư duy và ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Các cơ sở giáo dục phổ thông đồng thời tổ chức tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số.

Ở cấp học cao hơn, hàng loạt chuyên ngành đào tạo mới để đáp ứng nhu cầu nhân lực CMCN 4.0 được đưa vào danh mục của Nhà nước và triển khai đào tạo trong các trường cao học, đại học trên toàn quốc như: Tự động hóa và Tin học, Công nghệ Hàng không - Vũ trụ, Vật liệu và Linh kiện nano, Trí tuệ nhân tạo, Thương mại điện tử, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện, Quản lí đô thị và công trình (thông minh), Công nghệ tài chính và kinh doanh kĩ thuật số…

Bên cạnh việc tham gia vào các chương trình đào tạo kỹ năng số, học sinh, sinh viên còn được tham gia nhiều sân chơi, chương trình hướng tới tạo lập nền tảng kỹ thuật số cho thế hệ công dân số tương lai của Việt Nam. Đơn cử như Dự án giáo dục miễn phí “Lập trình tương lai cùng Google” của Google Châu Á Thái Bình Dương (APAC) phối hợp thực hiện cùng Quỹ Dariu “, bắt đầu khởi động từ tháng 5/2018, đến nay đã đào tạo lập trình ngôn ngữ Scratch và Robotics, ứng dụng bo mạch Micro:bit, kiến thức kỹ năng số và sử dụng Internet an toàn cho hơn 300.000 học sinh, sinh viên tại 9 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là sự khởi đầu, tạo nền tảng vững chắc cho học sinh, sinh viên Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề trong những năm qua cũng có nhiều chuyển biến tích cực, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để tái cơ cấu lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hiện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đang xúc tiến chủ trương thành lập Trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, dự kiến tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, trên cơ sở đầu tư, cấu trúc lại 3 trường: Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ (tại Hà Nội), Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất (trụ sở tại Quảng Ngãi) và Trường CĐ Kỹ nghệ II (trụ sở tại TP.HCM). 3 trung tâm quốc gia này sẽ đặt trong mạng lưới các trường cao đẳng và có tính chất lan tỏa dẫn dắt trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Các trung tâm quốc gia và các trường cao đẳng chất lượng cao sẽ được bổ sung thêm chức năng đào tạo và tổ chức thực hành những ngành nghề mới tương lai, vượt trội; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, quản trị hiện đại; công nghệ mới, phương pháp mới trong giáo dục nghề nghiệp; bổ sung thêm chức năng tổ chức đánh giá kỹ năng quốc gia đổi mới sáng tạo. Các cơ sở giáo dục nghề đồng thời sẽ tiếp nhận chuyển giao các chương trình từ nước ngoài đào tạo chất lượng cao, trong đó có các nghề trong lĩnh vực CMCN 4.0 như cơ điện tử, điện tử công nghiệp, quản trị mạng máy tính, công nghệ sinh học... Theo lộ trình thực hiện, dự kiến đến năm 2025, cả nước sẽ có tổng 70 trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong G20. Đến năm 2030, hình thành thêm từ 3 đến 5 trung tâm quốc gia về đào tạo và thực hành nghề cùng 90 trường chất lượng cao (trong đó có 40 trường tương đương với trình độ các nước ASEAN-4 và 3 trường tương đương các nước phát triển trong nhóm G20.

Điều đáng nói là việc đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng số cho lao động còn có sự tham gia chủ động từ nhiều doanh nghiệp trong nước như: Tập đoàn Microsoft Việt Nam, Tập đoàn FPT… Là một trong những cánh chim đầu đàn trong công động doanh nghiệp trong nước góp phần đáng kể trong đào tạo kỹ năng số cho lao động, năm 2020, Tập đoàn Microsoft Việt Nam đã khởi động sáng kiến Kỹ năng Toàn cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường lao động trong kỷ nguyên Cách mạng công nghệ 4.0, nhằm giải quyết những thách thức đang gia tăng đối với vấn đề việc làm, đặc biệt trong bối cảnh bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Chỉ sau 1 năm triển khai, tính đến đầu năm 2021, Microsoft đã giúp hơn 60.000 lao động Việt Nam tiếp cận được các kỹ năng số. Tháng 6/2021, Tập đoàn Microsoft Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam chính thức ra mắt Nền tảng học trực tuyến www.congdanso.edu.vn, thuộc Dự án “Tăng cường cơ hội tiếp cận đào tạo kỹ năng số cho lao động trẻ tại Việt Nam” giai đoạn 2020-2021. Nền tảng học trực tuyến trên cung cấp 6 khóa học kỹ năng số cơ bản theo hình thức các khóa học đại trà trực tuyến mở và miễn phí (MOOCs) cho mọi người, đặc biệt là những lao động nữ di cư. Trong giai đoạn thí điểm, nền tảng hướng đến 3.000 lao động di cư và sinh viên học nghề tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Mặc dù công tác đào tạo kỹ năng cho người lao động được chú trọng trong những năm qua song trên thực tế nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nói chung và kỹ năng số nói riêng của nước ta rất hạn chế cả về chất và lượng. Lượng lao động Việt Nam đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp; dẫn đến số lao động có việc làm khu vực phi chính thức và số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động vẫn khá cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 đạt 50,5 triệu người, lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên năm 2021 chỉ đạt 26,1%. Trong năm 2021, số lao động có việc làm phi chính thức là 19,8 triệu người, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,4 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là 3,22%. Chất lượng đào tạo cũng chưa thực sự sát với yêu cầu công việc thực tế. Theo số liệu từ một cuộc khảo sát của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, có tới 70% sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, riêng đối với lĩnh vực lập trình máy tính thì tỷ lệ này là 80%.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn xếp hạng thấp trong khu vực về kỹ năng số. Trong các năm 2019-2021, Việt Nam gần như không có sự cải thiện nhiều trong bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII). Cụ thể, Việt Nam luôn giữ vị trí thứ 42 trong 2 năm liên tiếp 2019 và 2020. Trong bảng xếp hạng GII 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia, nền kinh tế sau khi WIPO đã cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tức là vị trí này vẫn chỉ tương ứng với thứ hạng của những năm trước). Tại Diễn đàn Doanh Nghiệp Thường niên (VBF) diễn ra vào tháng 2 mới đây, các chuyên gia cũng nhận định, trình độ kỹ năng số của Việt Nam vẫn chưa bắt kịp một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore. Nếu Việt Nam không đáp ứng được số lượng lao động có tay nghề cao trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, thì nền kinh tế có thể mất tới 2 triệu việc làm vào năm 2045.

Hiện Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước cũng đang ngày càng lớn mạnh. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ năng cao và có đào tạo sẽ ngày càng lớn, đặc biệt trong các ngành như điện tử và bán dẫn, hàng tiêu dùng - bán lẻ, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng... Vì thế, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong đào tạo kỹ năng cho người lao động, và coi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển trong trung và dài hạn.

Mới đây nhất, ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện Quyết định, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện nhóm các nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, xây dựng khung nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, công nghệ số cho đội ngũ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số trong cơ quan trên cơ sở ý kiến góp ý từ tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đối với nhóm các nhiệm vụ phổ cập kỹ năng chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tổ chức phổ cập kỹ năng số, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà MOOCs.

Để chuẩn bị lực lượng lao động có kỹ năng nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa mới được phê duyệt vào tháng 12/2021, để đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghệ hiện đại, một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20. Đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Bên cạnh đó, đến nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã xây dựng chương trình Đào tạo theo chuẩn đầu ra có những chuẩn kiến thức, kỹ năng, công nghệ của CMCN 4.0. Theo chương trình, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang cập nhật những kỹ năng 4.0 trong khoảng 50-60 nhóm ngành, nghề được tổ chức thi kỹ năng ở khu vực ASEAN và thế giới. Đồng thời, sẽ tiếp nhận chuyển giao 34 chương trình từ nước ngoài đào tạo chất lượng cao, trong đó có các nghề trong lĩnh vực CMCN 4.0 như cơ điện tử, điện tử công nghiệp, quản trị mạng máy tính, công nghệ sinh học... Đặc biệt, Tổng cục đang chuẩn bị triển khai đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề; đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của CMCN lần thứ 4 cho ít nhất 300.000 lượt người...

Có thể nói, nâng tầm kỹ năng lao động thích ứng CMCN 4.0 đang là một chiến lược ưu tiên, được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay hành động. Tuy nhiên, trên hành trình đó vẫn rất cần sự đồng hành, hợp tác của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hệ thống các trường cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp, để xây dựng một lực lượng lao động lớn mạnh, có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0, góp phần giải thành công bài toán chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong sân chơi kinh tế toàn cầu rộng lớn./.

ThS. Nguyễn Thị Vân Anh
Đại học Công nghiệp Hà Nội 
TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com