TIN TỨC
Cuộc vận động sáng tác lời mới các Làn điệu dân ca Việt Nam hướng đến Kỷ niêm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021)
23/06/2021 14:23

Căn cứ Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng Nhân dân Thành phố về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2021 và Công văn số 659/UBND-KSTT ngày 08 tháng 03 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh và Kế hoạch số 19/KH-TTVHTP ngày 22 tháng 9 năm 2020 của Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh về trọng tâm hoạt động phát triển sự nghiệp năm 2021; Trung tâm Văn hoá Thành phố triển khai tổ chức Cuộc vận động Sáng tác lời mới các làn điệu dân ca Việt Nam hướng đến Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021) với nội dung cụ thể như sau:

  1. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

- Thiết thực tổ chức các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021); Kỷ niệm 76 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2021) và Quốc khánh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (02/9/1945-2/9/2021); Chào mừng Kỷ niệm 45 năm Ngày Thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (02/7/1976 - 02/7/2021).

- Khuyến khích, động viên các tố chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật và cũng nhằm phát huy năng lực sáng tạo của các đối tượng văn nghệ sĩ trong cả nước sáng tác được nhiều tác phẩm dân ca có giá trị, xứng tầm với công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

- Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật của các làn điệu dân ca Việt Nam và tiếp tục giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền các tác phẩm dân ca truyền thống dân tộc trong đời sống cộng đồng hiện nay.

  1. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG THAM GIA
  2. Nội dung tác phẩm

- Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam; Ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam; Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

- Thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, những thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đạt được sau hơn 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Ca ngợi những thành quả sáng tạo trong lao động sản xuất của Nhân dân Thành phổ trong công cuộc xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư để phát triển Thành phố thành đô thị hiện đại, văn minh, nghĩa tình.

  1. Đối tượng tác giả tham gia

- Nhạc sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp và không chuyên; các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật; lực lượng vũ trang, giáo viên, học sinh - sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học và các tầng lớp Nhân dân trên toàn quốc có đam mê, yêu thích dân ca tham gia sáng tác dự thi.

+ Lưu ý: Thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng giám khảo, Ban Thư ký không được tham gia dự thi.

  1. Về tác phẩm

Mỗi tác giả tham gia không quá 05 (năm) tác phẩm theo các hình thức sau đây:

3.1. Tác phẩm Dân ca gốc (là những câu ca, điệu hát, bài hát đã đi vào kho tàng nghệ thuật dân gian bằng cách truyền khẩu trong đời sống Nhân dân, luôn được biến đổi và thuộc quyền sở hữu của tập thể, cộng đồng).

- Dựa trên giai điệu âm nhạc của những làn điệu dân ca gốc cả ba miền Bắc – Trung - Nam, tác giả viết lời ca mới, thể hiện nội dung trọn vẹn một chủ đề mà tác giả muốn gửi gắm, thể hiện.

- Ban Tổ chức gợi ý một số làn điệu Dân ca sau đây:

+ Dân ca Bắc Bộ bao gồm: Hát ru, Cò lả, Trống quân, Quan họ, Chầu văn, Xẩm, Hò Sông Mã (Thanh Hóa), Hò chèo thuyền Bắc Bộ, Dân ca Hà Nam, Dân ca Tây Bắc, Việt Bắc.v.v...

+ Dân ca miền Trung - Tây Nguyên gồm có: Dân ca Bình-Trị-Thiên, Ví dặm, Hò Huế, Lý Huế, Hò khoan Lệ Thủy (Quảng Bình), Ru con Trung Bộ, Hát bả trạo, Hát sắc bùa, Hò chèo cạn, Bài Chòi, Dân ca Chăm, Bana, Ê đê...

+ Dân ca Nam Bộ gồm có: Hát đưa em (tức hát ầu ơ ví dầu); Hò Nam Bộ (Hò cấy, Hò í a hò khoan, Hò huê tình, Hò đối đáp, Hò Đồng Tháp); các điệu Lý (Lý cây bông, Lý con khỉ, Lý áo vá quảng, Lý con trâu, Lý chiều chiều...); Nói thơ (Vân Tiên, Bạc Liêu); Vè Nam Bộ; Dân ca Bình Chánh, Dân ca Khmer, Stiêng...

3.2. Những ca khúc mang âm hưởng dân ca (những tác phẩm mới được sáng tác dựa trên giai điệu các làn điệu dân ca Việt Nam, những ca khúc mang tính dân gian hoặc mô phỏng những làn điệu dân gian Việt Nam.

* Lưu ý: Các tác phẩm dự thi phải đảm bảo thời lượng từ 04 (bốn) đến 06 (sáu) phút.

III. QUY ĐỊNH TÁC PHẨM XÉT CHỌN

  1. Tiêu chí xét chọn

- Đảm bảo đúng chủ đề, nội dung và thể lệ do Ban Tổ chức quy định.

- Đối với tác phẩm theo làn điệu Dân ca gốc: lời mới các tác phấm dự thi phải có tính sáng tạo, có ý tứ mới lạ, giàu hình ảnh, mang tính văn học cao và nội dung gắn với đời sống hiện nay. Đòi hỏi người viết phải viết đúng cấu trúc lòng bản, viết đúng với giai điệu của bài dân ca gốc được tác giả đặt lời mới.

- Đối với các ca khúc mang âm hưởng dân ca: cần phải đạt các yếu tố giai điệu đẹp, mang âm hưởng làn điệu dân ca truyền thống dân tộc Việt Nam; ca từ hay, thể hiện rõ ý tưởng nội dung ca khúc; cấu trúc ca khúc hợp lý, cân đối tương thích giữa phần nhạc và phần lời ca...

  1. Điều kiện xét chọn

- Ngôn từ sử dụng trong tác phẩm phải chắt lọc, sâu sắc, giàu tính thẩm mỹ và tính nghệ thuật; phù hợp với đặc trưng của dân ca Việt Nam (mộc mạc, dễ hiểu).

- Tác phẩm dự thi phải là những tác phẩm chưa đạt giải tại các cuộc Liên hoan, Hội thi, Cuộc vận động sáng tác lời mới về dân ca ở cấp địa phương, khu vực và toàn quốc.

- Các tác phẩm dự thi phải đảm bảo tính trung thực về thời gian công bố tác phẩm và đúng theo các điều lệ thông báo của Ban Tổ chức, không có tranh chấp về bản quyền tác phẩm, quyền tác giả. Trường hợp sau khi tác phẩm dự thi đạt giải có tranh chấp về quyền tác giả và được cơ quan có thẩm quyền công bố tác phẩm thuộc tác giả khác hoặc có sự đóng góp của đồng tác giả khác, Ban Tổ chức sẽ thu hồi giải thưởng đối với tác phẩm đó.

- Ban Tổ chức không hoàn trả tác phẩm dự thi.

  1. KHUNG XÉT GIẢI THƯỞNG

- Các tác phẩm dự thi được xét giải thưởng dựa trên cơ sở đánh giá của Hội đồng giám khảo (là những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà sư phạm âm nhạc có chuyên môn và uy tín trong lĩnh vực dân ca).

- Hội đồng giám khảo thống nhất đánh giá qua hình thức chấm điểm theo thang điểm 10 hoặc 20 (có số lẻ thập phân) được áp dụng cho tất cả các tác phẩm dự thi.

  1. Vòng Sơ khảo (loại trực tiếp)

- Hội đồng giám khảo chấm điểm và xem xét việc chọn vào vòng Chung khảo đối với các tác phẩm dự thi.

  1. Vòng Chung khảo (xét giải thưởng)

- Tác giả tự đầu tư phần audio âm nhạc và nghệ nhân, nghệ sĩ thể hiện công diễn tác phẩm của mình qua hình thức quay MV (music video). Ban Tổ chức hỗ trợ âm thanh, ánh sáng, sân khấu và đội ngũ thực hiện ghi hình cho tất cả các tác phẩm dự thi tại vòng Chung khảo (theo thông báo của Ban Tổ chức).

- Thông qua kết quả đánh giá của Hội đồng giám khảo, Ban Tổ chức chọn lọc và biên tập các tác phẩm đạt giải cao, những tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo đảm bảo chất lượng nghệ thuật in ấn Tập tuyển chọn lời mới các làn điệu dân ca Việt Nam (khoảng từ 80 đến 100 tác phẩm); thực hiện hòa âm, phổi khí, thu âm, phát thanh Album USB (20 tác phẩm). Ban Tổ chức được quyền sử dụng các tác phẩm dự thi và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng không vì mục đích kinh doanh.

- Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình nghệ thuật giới thiệu các tác phẩm chất lượng; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội ở Thành phố phổ biến, tuyên truyền kết quả Cuộc vận động tới đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là giới trẻ (thanh niên, sinh viên, học sinh) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

* Các tác giả có tác phẩm được chọn dự thi tại vòng Chung khảo gửi tác phẩm để tham gia xét chọn giải thưởng theo 2 nội dung như sau:

2.1. Hội đồng Giám khảo chấm điểm trực tiếp, xét chọn các tác phẩm đạt giải thưởng của Ban Tổ chức Cuộc vận động

- Căn cứ vào cơ cấu giải thưởng và kết quả chấm điểm của Hội đồng giám khảo, giải thưởng được lấy từ cao xuống thấp. Giải Khuyến khích và các giải thưởng khác do Hội đồng giám khảo thảo luận, đề xuất Ban Tổ chức xem xét và được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo.

- Trường hợp có nhiều tác phẩm đạt chất lượng chuyên môn cao, Ban Tổ chức sẽ báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo điều chỉnh số lượng giải thưởng cuộc thi.

+ Ghi chú: Ban Tổ chức và các thành viên Hội đồng giám khảo sẽ phân tích, đánh giá, nhận xét từng tác phẩm để hoàn chỉnh trước khi thực hiện công khai tác phẩm để tham gia nội dung khán giả bình chọn. Các tác phẩm không đảm bảo chất lượng công diễn theo yêu cầu của Ban Tổ chức và Hội đồng giám khảo sẽ không được tham gia nội dung để khán giả bình chọn.

2.2. Khán giả bình chọn qua hệ thống truyền thông

- Tác giả có tác phẩm được chọn dự thi tại vòng Khán giả bình chọn đầu tư các nội dung hoàn chỉnh theo yêu cầu của Ban Tổ chức và Hội đồng giám khảo (nếu có) thể hiện công diễn tác phẩm của mình qua hình thức quay MV (music video) livestream trực tiếp trên hệ thống truyền thông của Ban Tổ chức qui định.

- Ban Tổ chức trao giải thưởng cho tác phẩm được khán giả bình chọn nhiều nhất qua hình thức trực tiếp trên hệ thống truyền thông trong khoảng thời gian qui định.

  1. HỒ SƠ, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM NHẬN TÁC PHẨM DỰ THI
  2. Hồ sơ dự thi

- Tác phẩm dự thi bao gồm: 01 văn bản nhạc và 01 đĩa demo (nếu có).

- Tác phẩm dự thi được trình bày văn bản trên khổ giấy A4, bằng phần mềm Encore hoặc phần mềm chép nhạc tương tự khác. Khuyến khích các tác phẩm có Audio demo (cả phần nhạc và phần lời ca). Riêng các thể loại như: đồng dao, hát ru, hò, vè, nói thơ, chầu văn, ví dặm, cò lả, trống quân thì văn bản tác phẩm được đánh máy vi tính trên khổ giấy A4 (Font chữ: Times New Roman - Unicode).

- Tác giả dự thi ghi rõ họ và tên, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, số Chứng minh Nhân dân/Căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp, địa chỉ nơi cư trú, số điện thoại liên lạc.

  1. Thời gian nhận tác phẩm dự thi

- Kể từ ngày phát hành Kế hoạch và Thông báo đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2021 (tính theo dấu bưu điện hoặc gửi trực tiếp tại Trung tâm Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh).

- Thời gian Tổng kết và trao giải: Dự kiến tháng 12/2021.

  1. Địa điểm nhận tác phẩm

- Gửi tác phẩm dự thi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh - số 97 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

* Lưu ý:

- Ngoài bìa thư ghi rõ: Tác phẩm dự thi Cuộc vận động Sáng tác lời mới các làn điệu dân ca Việt Nam hướng đến Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021); Hoặc gửi tác phẩm theo địa chỉ email: loimoidancatphcm2021@gmail.com

- Liên hệ trực tiếp: Phòng Nghệ thuật dân gian (Trung tâm Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh). Điện thoại: (028) 39257654. Nhận sự giải đáp các vấn đề liên quan: Ông Đinh Quang Minh - Trưởng phòng Nghệ thuật dân gian (0903.748186).

  1. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

- Trên cơ sở kết quả chấm điểm của Hội đồng giám khảo, Ban Tổ chức sẽ xem xét giải thưởng và giá trị các giải thưởng được tính bằng tiền đồng Việt Nam. Có hai loại giải thưởng như sau:

+ Giải thưởng chính: Các Giải Nhất, Giải Nhì. Giải Ba cho các tác phẩm xuất sắc tham dự Cuộc vận động trong mỗi thể loại thuộc các nội dung dự thi.

+ Giải thưởng phụ: Các Giải Khuyến khích; 01 Giải dành cho tác phẩm viết về Bác Hồ hay nhất; 01 Giải dành cho tác phẩm viết về Thành phố Hồ Chí Minh hay nhất; 03 Giải thưởng dành cho tác phẩm có số lượng khán giả bình chọn nhiều nhất.

- Tất cả các tác phẩm vào Vòng Chung khảo sẽ được nhận Giấy chứng nhận tham gia Cuộc vận động của Ban Tổ chức./.

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com