TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Cẩm Lương - Một vùng thắng tích của xứ Thanh
05/05/2021 11:27
Cẩm Lương là một xã thuộc huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa nơi có sông rộng, hang sâu, rừng đại ngàn tạo nên những hấp dẫn của một vùng thắng tích kỳ thú và hấp dẫn.

Xã Cẩm Lương nơi suối Ngọc từ lâu đã nổi tiếng trong cả nước. Đây là dòng suối luồn lách âm thầm được chảy ra từ một hang ngầm trong lòng núi Bồ Um của dãy Trường Sinh. Cửa hang nước chảy ra suốt ngày đêm chỉ rộng hơn một sải tay người và chiều cao cũng chỉ vài chục phân là thế giới của “Cá Thần” sinh sống. Ngay cửa hang, chỗ cá ra vào, nước vẫn tuôn chảy đều đều ra phía bên ngoài tạo thành con suối cạn và ngắn, với độ sâu trong mùa khô chỉ từ 0,5m trở xuống. Riêng chỗ vụng nước rộng, sâu nhất ở sát cửa hang, dân địa phương còn gọi là “Mó Ngọc” (tức mó nước ở suối Ngọc của thôn Lương Ngọc). Xung quanh mó và suối Ngọc là bờ đá tự nhiên được tạo ra từ các phiến đá to nhỏ, cao thấp khác nhau nhưng vẫn có nhiều chỗ bằng để du khách đi men hoặc ngồi nhìn ngắm cá. Mặc dù Cá Thần từ hang ra ăn mồi và nhởn nhơ quanh mó - suối có tới vài ngàn con lớn nhỏ khác nhau nhưng nước ở đây vẫn trong veo và không có mùi tanh của cá. Mùa hè nắng cháy đứng ở gần cửa hang “Cá Thần”, ai cũng có cảm giác mát rượi. Dưới lòng mó, lòng suối là vô số các hòn đá cuội sáng lấp lánh, khi ánh nắng ban mai chiếu dọi qua từng kẻ lá để hắt xuống suối Ngọc làm mặt nước lấp lánh như được dát vàng, dát bạc, còn lúc chiều tà và màn đêm buông xuống, cá rút hết vào hang thì dòng suối Ngọc lại như chìm dần vào giấc ngủ sâu trong rừng núi đại ngàn một cách thầm lặng để nhường chỗ cho các đàn đom đóm lập lòe và phát sáng trong đêm. Từ trước tới nay, dân địa phương cũng chưa bao giờ dám bắt cá để cân thử xem trọng lượng mỗi loại lớn, bé bao nhiêu. Nhưng bằng mắt thường, nhiều người đoán có con nặng tới cả yến, còn phần lớn từ 6kg trở xuống. Cá Chúa nặng trên dưới 40kg, cá có vành đỏ như đeo vòng tai, quanh mắt có viền màu xanh đỏ.

Đến với Cẩm Lương du khách không chỉ được chiêm ngưỡng, quan sát đàn “Cá Thần linh diệu kỳ” mà còn được du ngoạn, thưởng thức cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp của núi rừng, hang, động và nhà cửa, ruộng nương của người Mường nơi đây. Ngay sát bên suối cá, rẽ phải khoảng 200m, chúng ta đi lên một đoạn dốc có độ cao 100m so với mặt suối Ngọc để đến với một hang động khá đẹp mà dân địa phương quen gọi là “Động Đăng”. Động Đăng có hai cửa: Cửa vào (gọi là cửa Cha), cửa ra (gọi là cửa Mẹ). Cửa Cha thì leo cao, còn cửa Mẹ ở dưới thấp, tất cả đều lên xuống dễ dàng. Khi vào trong động, nhờ ánh sáng của đèn điện, đèn pin và đèn ắc quy, du khách có thể quan sát lần lượt các tầng hang. Dưới bàn tay của tạo hóa, động Đăng thực sự trở thành một “thế giới” thu nhỏ đầy huyền bí với rất nhiều hình hài đầy sức quyến rũ. Những khối thạch nhũ long lanh đủ sắc màu, từ vách động, vòm động rũ xuống, tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ. Có lẽ vì thế mà được gọi là động Đăng, trong lòng động cũng như ngoài cửa, những khối thạch nhũ có hình thể kỳ lạ, người giàu trí tưởng tượng hẳn xây dựng được những nội dung huyền tích thú vị theo mỗi bước chân. Nơi này giống tích “hội bàn đào” chốn thiên cung khi xưa, nơi kia là cảnh “đại chiến” của thiên binh thuở hồng hoang “Đẻ đất, đẻ nước”. Những cảnh cực lạc cõi niết bàn của đạo Phật cũng không hiếm trong động. Không rõ từ bao giờ, Nhân dân địa phương với trí tưởng tượng phong phú của mình căn cứ vào hình dáng của thạch nhũ, đã đặt cho chúng những cái tên thật ấn tượng, như tượng “Mẹ con” là hình một người mẹ trẻ trung tràn đầy sinh lực đang cõng một đứa con mập mạp; hay “Búa trời” là một khối thạch nhũ trông giống quả phật thủ nặng ngàn cân lơ lửng trên vòm động, như sẵn sàng thực hiện công lý của trời đất,…
Rời động Đăng qua cửa Mẹ, du khách lại về suối cá để viếng miếu thờ Thần Rắn - một không gian thiêng mà người Mường Lương Ngọc rất sùng kính. Theo truyền thuyết ở địa phương, vị thần được thờ ở đền Ngọc là chàng Rắn - người đã giúp dân làng xây dựng Mường bản từ thuở “Đẻ đất, đẻ nước” có “Cây Chu Đá, lá Chu Đồng” và “Bông thau, quả thiếc” rất xa xưa. Từ đây đã diễn ra một thiên tình sử rất đẹp giữa chàng Rắn và nàng Thủy Tiên (con gái út của Vua Thủy Tề). Vì từ chối sự tác hợp của cha để không lấy Thuồng Luồng mà cả thủy cung nổi giận làm mưa, gió lớn và nước dâng để nhấn chìm muôn loài trên thế gian này. Và cuộc chiến giữa chàng Rắn và Thuồng Luồng diễn ra quyết liệt. Nhưng cuối cùng Thuồng Luồng đã thua trận. Bản Mường lại yên vui, sau khi chiến trận kết thúc thì vợ chồng con cái và nhà cửa chàng Rắn cũng biến mất và chỗ đó lộ ra một cửa hang có nước trong lành và vô số cá theo ra con suối suốt ngày đêm, còn phía dưới con suối là xác của một con rắn rất lớn, dân cho đó là chàng trai cứu tinh của dân làng, cho nên ngay chỗ suối cụt đó người dân đã lập đền thờ chàng Rắn để tỏ lòng biết ơn và tri ân mãi mãi. Nếu có dịp tham gia Ngày hội làng Lương Ngọc, du khách sẽ được thưởng thức các giá trị văn hóa giàu bản sắc địa phương của đồng bào dân tộc Mường nơi đây. Trong không gian rừng núi, đoàn người rước Thần Rắn, trải dài từ thôn làng ra tận đầu ven suối. Đi trong đoàn rước là đội rước kiệu, đội cồng chiêng, đội trống nhạc và hàng trăm, hàng ngàn bạn trẻ, nam thanh nữ tú với trang phục thổ cẩm đủ mọi màu sắc rất sinh động.
Sau cuộc rước là tế thần. Rồi hội làng diễn ra ngay sau khuôn viên của một nhà sàn với các trò tung còn, kéo co, đấu vật và cuộc thi nấu cơm, dệt vải,… cũng được tổ chức làm cho không khí Ngày hội thêm tưng bừng, náo nhiệt. Và đêm đến, từng tốp nam nữ lại tổ chức hát Xường với những lời ca đầy chất trữ tình, sâu lắng. Từ những cuộc hát giao duyên trong lễ hội mùa xuân, nhiều chàng trai, cô gái Mường đã kết thành đôi lứa.
Đến thăm Cẩm Lương với quần thể các danh lam thắng cảnh suối Cá Thần, động Đăng và đền thờ chàng Rắn du khách hẳn sẽ vừa lòng bởi những phong cảnh thiên nhiên đặc sắc của một vùng non nước xứ Thanh giàu đẹp./.

Hoàng Hằng

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com