TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975)
28/07/2020 10:00
Sau ngày hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phấn khởi tự hào và khẩn trương thực hiện Nghị quyết VI và VII của Trung ương Đảng về những nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của miền Bắc như: Hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, hàn gắn vết thương chiến tranh thống nhất nước nhà.
Khu Di tích cách mạng tại xã Thiệu Viên - Hội trường nơi diễn ra Đại hội Đại biểu tỉnh Thanh Hóa lần thứ VII.

Với sự nỗ lực phấn đấu, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tích trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa. Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Luật cải cách ruộng đất của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 4/12/1953, Đảng bộ Thanh Hóa đã phát động cải cách ruộng đất và đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo ra những điều kiện căn bản để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương vững chắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
* Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (Từ ngày 5 đến ngày 15/4/1959)
Tháng 11 năm 1958, Hội nghị Trung ương lần thứ XIV thông qua kế hoạch 3 năm (1958 - 1960) phát triển kinh tế - văn hóa và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công, người buôn bán nhỏ và kinh tế tư bản tư doanh. Căn cứ vào đặc điểm kinh tế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội sau 3 năm hàn gắn vết thương chiến tranh và khôi phục kinh tế của Thanh Hóa, Tỉnh ủy chủ trương tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa một cách tích cực, thận trọng, vững chắc, chu đáo trong đó cải tạo nông nghiệp được xem là trọng điểm.
Để thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tỉnh từ ngày 5 đến ngày 15/4/1959 tại thị xã Thanh Hóa. Nội dung Hội nghị tập trung vào việc đánh giá kết quả bước đầu cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp; đề ra chủ trương, biện pháp tiến hành cải tạo trên tất cả các lĩnh vực một cách cụ thể; Nghị quyết Hội nghị đã ghi rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, người buôn bán nhỏ và công thương nghiệp tư bản tư doanh” (1); quyết định tăng cường nhiều cán bộ có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm trong chỉ đạo nông nghiệp, nông thôn, nông dân vào cấp ủy Đảng và các cơ quan chỉ đạo cải tạo. Hội nghị cũng bầu Ban chấp hành tỉnh đảng bộ gồm 35 Ủy viên chính thức và 8 Ủy viên dự khuyết do đồng chí Ngô Thuyền làm Bí thư Tỉnh ủy.
Trong những năm 1954 - 1960, lịch sử đặt ra cho Đảng bộ Thanh Hóa nhiều nhiệm vụ trong điều kiện các thế lực đế quốc và tay sai chống phá bằng nhiều thủ đoạn. Với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa trong 3 năm lần thứ nhất (1955 - 1957). Sau 3 năm với phong trào thi đua “Sản xuất, tiết kiệm” ở các huyện trung châu và cuộc vận động “Đoàn kết sản xuất” ở các huyện miền núi đã làm cho bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội trong tỉnh biến đổi sâu sắc, tạo đà thực hiện kế hoạch 3 năm lần thứ 2 (1958 - 1960).
* Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ V (từ ngày 25/2 đến ngày 5/3/1961)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V (từ ngày 25/2 đến ngày 5/3/1961) đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) và bầu BCH Đảng bộ tỉnh. Đại hội khẳng định: “Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân trong tỉnh đã căn bản hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tạo ra nhiều khả năng mới, các ngành kinh tế, văn hóa bắt đầu phát triển và có chiều hướng tiến bộ, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, chính quyền các cấp ngày càng được tăng cường. Đảng bộ được rèn luyện là yếu tố quyết định mọi thắng lợi. Tuy vậy, vấn đề “Ai thắng ai” vẫn còn tiếp tục, công cuộc cải tạo về quan hệ sản xuất mới hình thành nhưng ở mức độ thấp... Trình độ nhận thức về chủ nghĩa xã hội của cán bộ và nhân dân chưa chuyển kịp với tình hình mới, năng lực tổ chức và trình độ quản lý kinh tế của cơ sở Đảng còn non kém, do vậy, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của phong trào cách mạng tỉnh nhà...” (2)
Từ thực tế cách mạng trong tỉnh, Đại hội đã đề ra các phương hướng, nhiệm vụ: Một là: Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng XHCN và chống Mỹ cứu nước do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đề ra, chuyển hướng mạnh mẽ sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trên cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức; Hai là: Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; Ba là: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trên cả ba vùng, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất công nghiệp. Đồng thời tích cực phát triển văn hóa, y tế, giáo dục; từng bước phát triển các mặt theo mục tiêu của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; Bốn là: Ra sức củng cố quốc phòng, sẵn sàng đập tan âm mưu, thủ đoạn thâm độc của Mỹ - Diệm, bảo vệ miền Bắc, đấu tranh thống nhất Tổ quốc.
Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 31 Ủy viên chính thức và 8 Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Ngô Thuyền tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
* Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (từ ngày 7 đến ngày 17/7/1963)
Từ ngày 7 đến ngày 17/7/1963 tại khu hội nghị 25B của tỉnh. Đại hội đã đánh giá thành tích, hạn chế, khuyết điểm về các lĩnh vực: Nông nghiệp; Công nghiệp; Thương nghiệp; Tài chính; Ngân hàng…
Để tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Đại hội đã đề ra các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng an ninh quốc phòng. Về kinh tế, đại hội đề ra 4 nhiệm vụ cơ bản: Một là, phải tập trung đẩy mạnh sản suất nông nghiệp phát triển toàn diện, lấy sản xuất lương thực làm trọng tâm, đồng thời ra sức phát triển cây công nghiệp và chăn nuôi; Hai là, nghề rừng và nghề biển phải được phát triển một cách toàn diện và cân đối, chú trọng cả khai thác và bảo vệ; Ba là, phát triển mạnh công nghiệp, thủ công nghiệp nhằm phục vụ sản xuất và đời sống; Bốn là, thương nghiệp phải được tăng cường để phục vụ sản xuất phát triển. Về công tác xây dựng Đảng, Đại hội đề ra hai nhiệm vụ cơ bản: Một là, ra sức tăng cường cơ sở Đảng, nhất là cơ sở Đảng ở nông thôn; Hai là, cải tiến nâng cao năng lực lãnh đạo, nhất là lãnh đạo kinh tế của các cấp ủy, tỉnh, huyện.
Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ gồm 31 đồng chí ủy viên chính thức, 4 ủy viên dự khuyết. Ban chấp hành đã bầu 9 đồng chí thường vụ và cử đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh làm Bí thư Tỉnh ủy.
* Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ VII (từ ngày 21/10 đến ngày 4/11/1969)
Cuối năm 1969, Đảng bộ tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ VII từ ngày 21/10 đến 4/11/1969, tại làng Viên Nội, xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa với sự tham dự của hơn 300 đại biểu, đại diện cho 8 vạn đảng viên trong tỉnh. Đại hội đã tập trung trí tuệ tổng kết 5 năm lãnh đạo chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của giặc Mỹ, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại hội ghi nhận: Quân dân trong tỉnh đã tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, kết hợp với bộ đội chủ lực đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, giữ vững mạch máu giao thông vận tải, bảo vệ các mục tiêu quan trọng, giữ vững an ninh trật tự, tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường. Trong chiến tranh, lực lượng vũ trang địa phương trưởng thành nhanh chóng. Trong hoàn cảnh có chiến tranh phá hoại ác liệt, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh kịp thời chuyển hướng phát triển kinh tế - văn hóa - giao thông vận tải, nhờ đó đã phòng tránh tốt thiệt hại do bom đạn địch gây ra. Sản lượng và năng suất sản xuất nông nghiệp, công nghiệp mặc dù chiến tranh ác liệt vẫn tăng, giao thông vận tải đã bảo đảm “4 đường ra, 3 đường vào” chi viện kịp thời cho các chiến trường phía Nam...
Trên cơ sở đánh giá những thành tích, hạn chế, Đại hội đề ra một số nhiệm vụ trong những năm 1970 - 1972, nhằm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập trung mọi nỗ lực để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến, xây dựng, bảo vệ, xây dựng CNXH trong tỉnh. Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ cơ bản: Một là, đảm bảo đầy đủ và kịp thời mọi yêu cầu của tiền tuyến lớn, tăng cường lực lượng vũ trang, giữ vững trật tự an ninh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa phương; Hai là, phát triển kinh tế địa phương toàn diện; Ba là, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 35 Ủy viên chính thức và 2 Ủy viên dự khuyết. Bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí, do đồng chí Võ Nguyên Lượng làm Bí thư Tỉnh ủy.
Trong những năm từ 1954 đến 1975, thực hiện Nghị quyết của các kỳ Đại hội, Đảng bộ lãnh đạo quân dân trong tỉnh phấn đấu thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Trong xây dựng CNXH ta đã xác lập và củng cố hệ thống HTX; hệ thống công ty, xí nghiệp nông - lâm trường quốc doanh. Các tuyến đường giao thông, hệ thống trường học, bệnh viện, trạm xá được nâng cấp về số lượng và chất lượng. Nhờ đó kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển thêm một bước, đời sống nhân dân được cải thiện, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường. Trong chiến đấu, chi viện chiến trường: Đảng bộ chỉ đạo tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng củng cố lực lượng vũ trang, lãnh đạo quân, dân trong tỉnh tổ chức chiến đấu hàng ngàn trận đánh lớn, nhỏ. Tổ chức vận chuyển hàng chục triệu tấn hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường phía Nam.
Qua 21 năm lãnh đạo nhân dân tiến hành các nhiệm vụ cách mạng, Đảng bộ Thanh Hóa đã đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu: Một là, kiên định sáng tạo thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng; Hai là, tăng cường khối đoàn kết dân tộc, tạo ra sức mạnh tổng hợp; Ba là, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngang tầm với nhiệm vụ chính trị.
Lịch sử Đảng bộ Thanh Hóa giai đoạn chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) là một chặng đường tiếp nối giai đoạn đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu sự trưởng thành toàn diện của Đảng bộ trong quá trình lãnh đạo chiến tranh chống ngoại xâm và xây dựng quê hương theo con đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội./.

Thanh Vân

Chú thích:
(1) Tài liệu lưu trữ tại Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa
(2) Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Thanh Hóa (1954 - 1975), Nxb Thanh Hóa 1994, tr.109.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1989, t10, tr747.

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com