TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Bảo tồn và phát huy nét đẹp làng nghề truyền thống xứ Thanh
09/03/2021 10:01
Xứ Thanh vùng đất của trăm nghề. Trải qua thăng trầm của sự dịch chuyển xã hội, thời đại, nhưng làng nghề ngày càng được củng cố, định hình và có những sắc thái riêng.

Bằng sức lao động cần mẫn, khéo léo, người làm nghề đã tạo ra những sản phẩm được xã hội ưa chuộng, trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế và thẩm mỹ cao, tạo nên sắc thái văn hóa của các làng nghề gắn liền với ý thức, uy tín và trách nhiệm với những sản phẩm làm ra. Có thể kể đến một số làng nghề thủ công với những sản phẩm tiêu biểu, như: Làng Hồng Đô (xã Thiệu Đô - Thiệu Hóa) với nghề dệt nhiễu, tơ lụa; làng Phú Khê (Hoằng Phú - Hoằng Hóa) dệt vải; làng Chè (xã Thiệu Trung - Thiệu Hóa) có nghề đúc đồng; làng Lưu Vệ (xã Quảng Tân - Quảng Xương) làm quạt giấy; làng Cung Bịch (Quảng Ninh - Quảng Xương) dệt chiếu cói;...
Phần lớn người thợ các làng nghề làm ngay ở trong gia đình. Cha truyền con nối cứ như thế đời nối đời, sản phẩm ngày càng tinh xảo, điêu luyện và hoàn chỉnh. Mỗi gia đình là một đơn vị sản xuất có tính chuyên nghiệp, bí quyết riêng lưu giữ và truyền cho các thế hệ mai sau. Một số làng, một số nghề lại sản xuất mang tính lưu động ở trong vùng, ngoài tỉnh như: Nghề mộc, kim hoàn, hàn đồng, đóng cối... Phần lớn các sản phẩm đều được tiêu thụ tại chỗ, hoặc tại chợ. Ví như: Nghề đục đá làng Nhồi làm theo đặt hàng của người có nhu cầu, làng Chè có chợ họp trong làng để bán đồ đồng, chợ Quăng bán vải, làng Vồm có chợ bán nồi đất và các sản phẩm gốm, đất nung.
Thợ mộc Đạt Tài, với việc làm nhà được nhiều nơi ca ngợi, nhìn các đường lắp, đường tâm, cái kẻ cùng với những nét chạm khắc hoa văn tinh xảo trên các đầu xà, cánh cửa và các đồ như tủ, sập, kiệu, đồ thờ... có thể nhận ra ngay là thợ mộc Đạt Tài. Cùng với làm nhà họ còn làm đình, dựng chùa, làm cả cung Vua, Phủ Chúa, sản phẩm được sử dụng từ chốn kinh kỳ cho tới thôn quê. Tiếng lành đồn xa về thợ mộc Đạt Tài: Tiếng lành thợ mộc Thanh Hoa/ Làm cửa làm nhà cầu quán khéo thay/ Bắt kèo lại lựa đòn tay/ Bào trơn, đóng bén khó thay mọi bề/... Bốn cửa anh chạm bốn rồng/ Trên thì rồng ấp, dưới thì rồng leo...
Thợ đúc đồng làng Chè với bàn tay khéo léo và trí thông minh đã làm nên nhiều sản phẩm đồ đồng phong phú, được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt họ còn có kỹ thuật cao để chế tác ra các nhạc cụ: Trống đồng, cồng, chiêng. Các loại nhạc khí này của làng Chè vừa tốt, vừa bền, chuẩn về âm lượng bởi kỹ thuật “lấy tiếng”, “lên dây” cồng chiêng, kỹ thuật này chỉ có nghệ nhân lão luyện mới tạo ra được.
Được thiên nhiên phú cho dãy núi An Hoạch với chất liệu đá Thanh nổi tiếng, thợ đục đá làng Nhồi với dụng cụ thô sơ: Vồ, đục bạt, đục dăm,... nhưng bằng khiếu thẩm mỹ và đức tính cần cù nhẫn nại, người làng Nhồi không chỉ sản xuất ra nhiều sản phẩm phục vụ cho đời sống, họ còn tạo nên hệ thống các con giống đá, tượng thờ, văn bia, khánh đá... thời nào cũng được ưa chuộng. Sản phẩm của thợ đá làng Nhồi còn xuất hiện ngay chốn cung vua, phủ chúa của các triều đình phong kiến Việt Nam và Trung Hoa.
Vùng đất trẻ Nga Sơn với ngút ngàn màu xanh của cói mở ra một nghề nổi tiếng với các sản phẩm từ nguyên liệu cói như: Chiếu, thảm, túi, dép, đồ đựng nữ trang... hàng năm đem lại nguồn lợi đáng kể, nâng cao mức sống và làm giàu cho người dân vùng đất này. Nói đến Nga Sơn và sản phẩm chiếu cói ai ai cũng nhớ: Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông. Chiếu và những sản phẩm mỹ nghệ không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà được xuất khẩu đi các nước Trung Quốc, Nga, Tây Âu làm vang danh tên những làng nghề Nga Thủy, Nga Hải, Nga Tân...
Miền Tây Thanh Hóa nơi đồi núi điệp trùng, từ nhiều đời nay, đồng bào các dân tộc đã làm nên nhiều sản phẩm thêu dệt đẹp và nổi tiếng. Đặc biệt những làng nghề như: Luận Khê, bản Sáng - Quang Chiểu (dân tộc Thái), làng Lú Khoen, Trang Hạ (Mường), Hạ Sơn (Dao), Pù Toong (Mông)... là những làng bản có nhiều nghệ nhân thêu dệt rất tài tình. Từ nguyên liệu là bông, đay, gai, phẩm nhuộm lấy từ sản vật của núi rừng, qua bàn tay của các nghệ nhân đã trở thành sản phẩm hoàn hảo. Những sản phẩm thổ cẩm, như: Gấu váy của phụ nữ Mường, Thái, Mông, Dao, những tấm phá, gối, đệm, khăn, y phục của các cô dâu, chú rể trong ngày cưới, sắc phục của các ông Mo, bà Máy... với đủ mọi sắc màu và hoa văn tuyệt mỹ được kết tinh từ óc sáng tạo, sự kiên trì nhẫn nại và khéo léo của con người nơi đây. Những sản phẩm này vừa phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày, những năm gần đây đang được các du khách yêu thích và làm đồ lưu niệm.
Nghề dệt Phú Khê từ xưa vốn nổi tiếng. Vào cuối thời Lê, nhà bác học Lê Quý Đôn khi đi qua vào năm 1774 đã quan sát và ghi chép lại nghề dệt vải nơi đây phồn thịnh: “Chốn chốn đều chứa tằm tơ, nhà nhà đã chất nhiều là lụa”. Sản phẩm dệt đòi hỏi trải qua nhiều cung đoạn tỉ mỉ, công phu, cần mẫn, khéo léo và kinh nghiệm lưu truyền để có những tấm lụa đẹp cho đời: Phú Khê tuy tiếng lụa thường/ Đã từng đấu xảo thị trường Đông Dương.
Làm nghề thủ công tuy vất vả, nặng nhọc nhưng không ngăn được lòng yêu đời của người làng nghề sống với nhau chí nghĩa chí tình. Người làng đục đá, đúc đồng, dệt chiếu, đan lát “kết chạ” với người làng bạn, nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào phong phú, làm ra những dụng cụ lao động tiện dùng, họ cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công việc. Người làng dệt kết bạn với làng trồng dâu nuôi tằm kéo kén, làng đan lát kết giao với làng trồng tre, trúc, song, mây... Trong lao động vất vả cực nhọc, tình cảm quý trọng thương yêu giữa con người với nhau cũng nảy nở, cất thành lời ca, điệu hát: Muốn ăn cơm trắng cá thèn/ Thì về Tất Tác đi rèn với anh, hay: Mùa về lại nhớ cót Giàng/ Cách mấy ngày đàng cũng đến tìm mua/ Mến người chẳng quản sớm trưa/ Cót đan nên lá, duyên đưa nên tình.
Nghề thủ công truyền thống trải qua những thời kỳ lịch sử khác nhau có lúc hưng thịnh, cũng có khi khó khăn, nhưng dù ở hoàn cảnh nào, bao giờ người làng nghề cũng luôn nhớ về làng, nhớ ơn các bậc tiền nhân... Mỗi làng nghề ở tỉnh Thanh đều có một tổ nghề, gắn với những câu chuyện, truyền thuyết đẹp, in đậm trong lòng người và truyền qua nhiều thế hệ: Làng Chè: Thờ Khổng Minh Không - ông tổ của nghề đúc đồng; làng Triều Dương: Thờ Bà Triều - bà tổ nghề dệt săm súc; làng Tất Tác: Thờ tổ nghề rèn; làng Đạt Tài: Thờ ông tổ nghề mộc... Chính điều đó luôn thôi thúc, nhắc nhở họ đến hẹn lại về trong ngày lễ hội, dâng hương, tưởng nhớ những người đã làm nên sự hưng thịnh cho làng, cho cuộc sống ấm no.
Thực hiện công cuộc đổi mới, sản xuất hàng hóa, những năm gần đây cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ tạo điều kiện cho khôi phục và phát triển các làng nghề, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng như các huyện, thị, thành phố đã ra nhiều Nghị quyết, Chỉ thị có tính sát hợp khả thi nhằm làm sống lại các làng nghề. Nhiều dự án đầu tư cho các nghề mũi nhọn, có giá trị xuất khẩu và kinh tế cao như: Chế tác đá, đúc đồng, dệt lụa, mây tre đan... Cơ sở hạ tầng được xây dựng, Nhà nước cho vay vốn ưu đãi, miễn giảm tiền thuê đất để mở rộng nhà xưởng và phát triển sản xuất phù hợp với làng nghề, tạo sự phấn khởi, yên tâm cho họ sản xuất. Hàng loạt các dự án làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã được xây dựng như ở Quảng Xương, Nga Sơn, thành phố Thanh Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa... được mở rộng quy mô sản xuất theo hướng công ty, các doanh nghiệp thu hút nhiều lao động trong vùng và các vùng phụ cận tới làm việc thể hiện tay nghề của mình. Các vùng nguyên liệu như cói Nga Sơn, Quảng Xương, trồng dâu nuôi tằm ở Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Đông Sơn, Hoằng Hóa... được đầu tư, mở rộng. Các lớp học dạy nghề và truyền nghề do các tổ chức đứng ra đảm nhiệm và các nghệ nhân trực tiếp giảng dạy được mở ra rộng rãi ở khắp các huyện, thị xã, phường. Chính vì vậy mà các sản phẩm: Đá mỹ nghệ, chế tác đồng, sản phẩm nhiễu, tơ lụa Hồng Đô, hàng mây tre đan, cót làng Giàng, chiếu cói và hàng cói mỹ nghệ Nga Sơn, Quảng Xương, hàng thổ cẩm Thái - Mường... là những mặt hàng xuất khẩu và tiêu dùng có giá trị cao, được người sử dụng ưa chuộng.
Làng nghề truyền thống ở tỉnh Thanh đã và đang phát huy tác dụng của nó trong việc giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, được các cấp ủy, chính quyền coi trọng và được các lao động ở làng nghề đồng tình ủng hộ. Bên cạnh việc duy trì nghề truyền thống, các cấp chính quyền ở Thanh Hóa đã và đang du nhập thêm các nghề mới của các tỉnh bạn và cả của nước ngoài để làm cho các sản phẩm làng nghề thêm phong phú, vừa bảo lưu được những nét đặc sắc của địa phương, vừa tiếp thu tinh hoa của mọi miền, góp phần tăng thu nhập cho người lao động, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

                                                                                                                                                                                             Hoàng Minh Tường

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com