TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
03/01/2023 09:21
Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt, độc đáo, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thể hiện tính đoàn kết cộng đồng, sự gắn bó, hài hòa giữa con người với các yếu tố tự nhiên đã dần trở thành món ăn tinh thần độc đáo của dân tộc. Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: “…Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, trong buổi gặp mặt Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, các thế hệ người Việt Nam phải có trách nhiệm đoàn kết, giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đất nước”.

Trung tâm Văn hóa tỉnh mở Lớp tập huấn “Bảo tồn, phát triển dân ca, dân vũ của dân tộc Thái phục vụ khách du lịch” tại huyện Như Xuân.

Thanh Hóa là một vùng đất tối cổ, một trong những cái nôi hình thành lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam. Tạo hóa đã ban tặng cho xứ Thanh một vùng sơn kỳ thủy tú với địa hình đa dạng như miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển. Thanh Hóa được nhiều sử gia, học giả nhận xét là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam. Xứ Thanh là địa bàn cư trú của 7 tộc người: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú. Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước oai hùng và bi tráng của dân tộc, xứ Thanh luôn được xem là vùng đất “Phên dậu”, “Căn bản”, “Thang mộc” của đất nước. Do ít có sự chia tách trong lịch sử nên xứ Thanh còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Chính di sản văn hóa truyền thống của các tộc người là mạch nguồn bồi dưỡng vun đắp tâm hồn, tình cảm, nếp sống, lối sống, lòng nhân ái yêu thương, sẻ chia, cố kết cộng đồng, hướng con người vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Di sản văn hóa truyền thống tộc người đó được tổ tiên, ông cha trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác làm cho chúng ta tự hào về quê hương, nỗ lực phấn đấu, góp phần công sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là từ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi đến nay. Dưới ánh sáng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, nhiều giá trị di sản văn hóa truyền thống như dân ca, dân vũ, dân nhạc, trò chơi, trò diễn, lễ hội… được quan tâm bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa ngày càng cao của Nhân dân. Di sản văn hóa truyền thống vốn hình thành và phát triển qua lao động sản xuất, qua giao lưu, ứng xử trong đời sống thường ngày. Phong tục, tập quán, phương thức canh tác, lao động sản xuất, điều kiện địa hình, môi trường sinh sống của từng dân tộc khác nhau đã tạo nên những di sản văn hóa truyền thống của từng tộc người mang dấu ấn, sắc thái rõ nét. Chính điều đó đã tạo nên sự phong phú, đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam. Di sản văn hóa truyền thống tộc người cũng thể hiện rõ quan điểm, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan, lý tưởng thẩm mỹ ở từng giai đoạn lịch sử. Bởi vậy, quá trình bảo tồn, phát triển hay giá trị cần phải xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng để không làm méo mó, biến dạng giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống.
Bám sát các Nghị quyết, Chủ trương, Đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, những năm qua Sở Văn hóa Thông tin (Nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tập trung xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển sự nghiệp văn hóa tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho các đơn vị sự nghiệp trong đó Trung tâm Văn hóa tỉnh là đơn vị chủ lực trong chỉ đạo, bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Trung tâm đã phối hợp với các phòng ban thuộc Sở, các đơn vị sự nghiệp, Phòng VHTT, Trung tâm VH-TT các huyện, thị xã, thành phố (nay là Trung tâm VH,TT,TT&DL) khảo sát, sưu tầm nghiên cứu từng loại hình văn hóa truyền thống để phục hồi đảm bảo tính nguyên gốc. Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho hàng nghìn học viên về bảo tồn di sản văn hóa truyền thống như: Dân ca Đông Anh, trò Xuân Phả, Hò sông Mã, Khặp, Khèn bè, Sáo, Khua Luống, trống Dàm, Séc Bùa, hát ru, Pôồn Pôông; Kin Chiêng Boọc Mạy, múa Chuông, múa Rùa… của người Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông. Không chỉ được bồi dưỡng, trang bị kiến thức văn hóa, các học viên còn được trang bị kiến thức du lịch, kỹ năng quảng bá văn hóa gắn liền với phát triển du lịch là những nhu cầu thiết yếu xã hội đặt ra. Cách làm kịp thời, sáng tạo trên đã mang lại hiệu quả xã hội rõ nét, được người dân cũng như du khách khi tham quan du lịch tại các di tích, danh thắng, các địa điểm sinh hoạt văn hóa ở Thanh Hóa đồng tình hưởng ứng. Thực hiện Đề án bảo tồn, phục dựng một số lễ hội, trò diễn dân gian của một số dân tộc thiểu số được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, Trung tâm Văn hóa tỉnh triển khai thực hiện mở 15 lớp tập huấn thuộc Chương trình phát triển du lịch phục vụ nhu cầu khách du lịch như: Lớp tập huấn “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc Thái” xã Trí Nang, huyện Lang Chánh; “Bảo tồn phục dựng trình diễn dân ca, dân vũ của dân tộc Thổ” khu vực du lịch thác Đồng Quan, xã Hóa Qùy, huyện Như Xuân; “Phục dựng các loại hình văn hóa dân tộc Dao Quần Chẹt, múa Pôồn Pôông dân tộc Mường” tại khu du lịch Hạ Sơn xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc; “Phục dựng bảo tồn nhảy Khèn Pá Hộc dân tộc Mông” tại thị trấn Quan Sơn, huyện Quan Sơn,... Qua các lớp tập huấn, nhiều hệ giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một dần tìm lại đúng vị trí của mình và được phát huy trong đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó bà con Nhân dân các dân tộc hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển du lịch cộng đồng, cũng từ đó giúp họ tự tin có thể trở thành những hướng dẫn viên du lịch tại địa phương, mang đến cho du khách không chỉ những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc mà còn quảng bá hình ảnh, con người, văn hóa, sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với du khách.
Cùng với việc đẩy mạnh các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ tổ chức các loại hình hoạt động văn hóa truyền thống gắn với quảng bá sâu rộng văn hóa, du lịch cho người dân và du khách, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã hoàn thiện, triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch được đưa vào tuyên truyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời duy trì bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho các CLB, đội văn nghệ như: CLB Cồng Chiêng, sắc phục dân tộc Mường huyện Cẩm Thủy, CLB Văn hóa dân gian huyện Ngọc Lặc; CLB Ca trù thành phố Thanh Hóa. Nhằm phát huy, quảng bá rộng rãi các giá trị di sản Văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách. Những năm qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã duy trì tổ chức nhiều Hội thi, Hội diễn, Liên hoan Văn hóa các dân tộc toàn tỉnh 02 năm một lần theo hình thức luân phiên ở các huyện, thị xã, thành phố nhằm giúp người dân, du khách hiểu sâu hơn về sự đa dạng phong phú với văn hóa truyền thống của các tộc người trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức 03 cuộc Liên hoan Văn hóa các dân tộc toàn tỉnh kỷ niệm các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn như: Bầu cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, Đại hội Đảng bộ các huyện, thị, thành phố, Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX… tại huyện Quan Hóa năm 2016, tại Thạch Thành năm 2018, tại TP Thanh Hóa và Sầm Sơn năm 2020.
Ngoài việc tổ chức các cuộc Liên hoan, Hội thi, Hội diễn tại tỉnh phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước. Từ năm 2016 - 2021, Trung tâm Văn hóa tỉnh tham gia gần 40 cuộc Liên hoan, Hội thi, Hội diễn, Ngày hội do Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Văn hóa dân tộc thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, tiêu biểu như: Tham gia Ngày hội trình diễn Cây Nêu và giao lưu Văn hóa, Thể thao, Du lịch các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Nam; Ngày hội giao lưu văn hóa, Thể thao du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ II tại tỉnh Sơn La; Tham gia Hội thi Tuyên truyền lưu động toàn quốc Chào mừng Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; Tham gia Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, tại Hà Nội; Tham gia Triển lãm “Di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và sản phẩm thủ công truyền thống” trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2021 - Hoa Lư, Ninh Bình; Tham gia Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền năm 2021; Tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III; Lễ hội văn hóa thổ cẩm lần thứ nhất tại tỉnh Đăk Nông. Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ 2 tại tỉnh Điện Biên… Đây là cơ hội để các Nghệ nhân dân gian được thể hiện kỹ năng trình diễn, sáng tạo nghệ thuật cũng như giao lưu, học
hỏi tiếp thu ở các đội bạn. Những lần dự Ngày hội, Hội thi, Liên hoan này sẽ tạo động lực, niềm phấn khởi để nghệ nhân thêm trân trọng, tự hào với vốn quý của ông cha, có trách nhiệm trao truyền cho thế hệ sau. Trung tâm Văn hóa tỉnh đã đạt nhiều Huy chương, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Chủ tịch UBND các tỉnh đăng cai. Đặc biệt, gần đây nhất từ ngày 16-19/4/2022 Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp với huyện Như Thanh lựa chọn các nghệ nhân tiêu biểu đại diện cho đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Thanh Hóa tái hiện lại Lễ Kin Chiêng Boọc Mạy tham gia “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2022 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), tại đây một số Nghệ nhân dân gian tiêu biểu của Đoàn Thanh Hóa đã vinh dự được vào viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp mặt chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phủ Chủ tịch.
Cùng với tổ chức, nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, Trung tâm Văn hóa tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa phục vụ các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh đạt chất lượng cao. Trung tâm cũng tập trung xây dựng khối đoàn kết thống nhất xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa lãnh đạo cơ quan với các tổ chức chi bộ, các đoàn thể tạo cộng đồng trách nhiệm, gắn kết trong cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan. Với những nỗ lực phấn đấu liên tục, sự đồng lòng nhất trí của lãnh đạo, cán bộ, viên chức cơ quan, năm 2021 TTVH tỉnh đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước trao tặng, xin chia sẻ chúc mừng những thành tích đã đạt được của tập thể, cán bộ TTVH tỉnh, hy vọng rằng sau khi sáp nhập thành Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa đơn vị sẽ ngày càng phát triển./.

Phạm Minh Trị

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com