TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Ẩm thực ngày Tết - Nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số xứ Thanh
10/03/2022 15:33
Miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của tạo hóa ban tặng. Nơi đây còn là địa bàn quần cư lâu đời của các dân tộc thiểu số Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú, mỗi dân tộc đã tạo dựng nên một cộng đồng văn hóa mang nhiều nét riêng biệt và giàu bản sắc tộc người. Trong đó, văn hóa ẩm thực ngày Tết được xem là cách truyền tải hữu hiệu nhất những nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đến với du khách muôn phương. Với nguồn sản vật phong phú, đa dạng từ núi, rừng, sông suối, qua đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, mỗi dân tộc đã tạo ra nhiều món ăn dân dã nhưng mang đậm nét văn hóa độc đáo.

Xôi ngũ sắc của người Mường
Về với bản Mường chúng ta sẽ được thưởng thức món xôi ngũ sắc. Để có một nồi xôi ngũ sắc ngon, đẹp mắt cần trải qua nhiều quy trình từ khâu chọn gạo, những hạt gạo nếp nương phải căng mẩy để khi đồ lên sẽ bóng, thơm và dẻo. Tiếp đó, người Mường dùng những lá cây có sẵn trong vườn để tạo màu cho xôi. Màu đỏ được tạo nên từ lá cây cơm đỏ, màu tím lấy từ lá cơm đen, màu xanh từ lá cây riềng hoặc lá gừng, màu vàng là màu của nghệ tươi, màu trắng là màu nguyên thủy của gạo nếp. Để đảm bảo màu đẹp, người hái phải tránh không được để lẫn các loại cây màu với nhau. Tiếp đó là sự cầu kỳ trong khâu nấu lá, giã lá, củ để lấy nước màu dùng cho việc trộn vào gạo nếp để tạo màu. Gạo nếp cái sau khi được ngâm nước sẽ được trộn theo từng màu khác nhau, ngâm qua đêm để màu thấm vào từng hạt gạo. Khi chín, hương thơm của nếp quyện với hương thơm đặc trưng của cây cỏ khiến xôi ngũ sắc không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Sắc màu của xôi ngũ sắc thể hiện những ước vọng của người Mường về một cuộc sống sum vầy của gia đình, sự gắn kết của cộng đồng và ước vọng về cuộc sống đủ đầy. Vì vậy, xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống trong các dịp lễ, Tết của người Mường, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên và trong những bữa ăn tiếp khách quý.
Cá nướng của người Thái
Khi nhắc đến văn hóa ẩm thực trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, người Thái được xem là cộng đồng có sự đa dạng nhất. Một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của dân tộc Thái đó chính là cá nướng gập (Pá pỉnh tộp). Đây là món ăn có cách làm cầu kỳ ngay từ khâu chọn nguyên liệu, cá phải là cá suối to còn sống, đem làm sạch vảy và ruột, sau đó mổ cá dọc sống lưng để khi gập cá vừa dễ mà lại đẹp mắt. Gia vị để ướp cá không thể thiếu bột ớt khô và hạt mắc khẻn, sau khi tẩm ướp khoảng 5 đến 10 phút, đem nhồi vào bụng cá những loại gia vị, rau thơm đã được thái nhỏ như: Gừng, tỏi, sả, hành... Sau đó, cá được kẹp chặt bằng thanh tre tươi, đem nướng trên bếp than hồng khoảng 30 phút. Khi cá chín dậy mùi thơm, mang vị ngọt bùi xen lẫn vị cay của ớt và mắc khén. Đây là món ăn mà đồng bào Thái dâng cúng gia tiên để thể hiện lòng thành kính của mình và tấm lòng mến khách của gia chủ với mỗi người khi đến thăm nhà trong dịp Tết.
Bánh Chưng gù của người Dao
Nếu người Kinh có bánh chưng xanh là nét văn hóa đặc trưng trong ngày Tết, thì người Dao có bánh chưng gù. Hình dáng của chiếc bánh nói lên tinh thần chịu thương, chịu khó của người phụ nữ khi đeo chiếc gùi trên lưng khi lên nương, làm rẫy, họ cúi xuống hái lúa, hái ngô, hái rau... Nguyên liệu làm bánh là nếp nương trắng ngần, đỗ xanh, thịt ba chỉ và lá cơm lông, được gói bằng lá dong rừng, bó lại chắc chắn bằng lạt cây vầu. Khi cho gạo, đỗ, thịt vào lá dong, họ gấp mép 2 lá dong với nhau tạo thành đường cong cho chiếc bánh. Đường cong nổi và cân thì “lưng gù” mới đẹp. Sau đó, buộc lạt cẩn thận và đun bánh trong 8 tiếng cho tới khi gạo, đỗ nhừ, dẻo quánh. Chiếc bánh đạt tiêu chuẩn phải dẻo, gạo và đỗ quyện vào nhau, nhân thịt, đỗ xanh không bị xô ra bên ngoài và điều quan trọng hơn cả là bánh vẫn phải giữ được cái “lưng gù”. Ngày Tết, bánh chưng gù được dâng thờ cúng tổ tiên, trời đất cầu mong năm mới an lành, gia đình hòa thuận, mùa màng tươi tốt, đem biếu ông bà, người thân, tiếp đãi khách đến chơi Tết và khẳng định một nét đẹp truyền thống trong bản sắc văn hóa dân tộc dao xứ Thanh.
Bánh Giầy của người Mông
Với người Mông, bánh Giầy không chỉ là một món ăn quen thuộc trong cuộc sống thường ngày mà nó giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh. Người Mông quan niệm: Hai cái bánh Giầy tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên Trái đất. Vì thế, trong những ngày Tết hay Lễ hội của dân tộc Mông không thể thiếu
món bánh Giầy. Khi đã chọn được gạo ưng ý, mang vo sạch rồi ngâm bằng nước ấm khoảng 12 giờ rồi vớt ra để ráo nước mới cho vào chõ để đồ xôi. Khi xôi chín được đổ cả vào cối giã thật nhuyễn. Cối giã bánh được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chầy được làm bằng loại gỗ cứng và nặng. Khi giã bánh chầy được ngâm vào nước chống dính. Giã bánh Giầy là một công việc nặng nhọc và đòi hỏi nhiều sức khỏe, kỹ thuật. Vì vậy những người tham gia giã bánh thường là đàn ông, thanh niên khỏe mạnh. Mỗi lần 2 người, khi đã thấm mệt lại chuyển cho 2 người khác thay nhau giã. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Xôi đem giã đến khi dẻo và mịn được các bà, các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa. Để bột khỏi dính tay và tăng độ thơm ngon của bánh, người ta xoa lòng đỏ trứng gà vào lòng bàn tay lúc nặn bánh. Lá gói bánh là lá chuối đã hơ qua lửa cho khỏi rách. Mẻ bánh đầu tiên bao giờ cũng dành để cúng ông bà tổ tiên. Từ mẻ bánh sau, con cháu có thể thưởng thức ngay tại cối. Đây là dịp đồng bào Mông thể hiện lòng biết ơn đối với cha ông và đất trời xứ sở, nhắc nhở con cháu không quên cội nguồn, luôn gắn bó bền chặt với bản làng, quê hương. Điều đó cũng báo hiệu một mùa xuân mới đang về, bà con đều mong ước một năm mới sung túc, yên bình, no đủ sẽ đến với mọi
nhà. Cùng với người Kinh, ẩm thực
của các dân tộc thiểu số xứ Thanh đều có những cách chế biến và gia vị riêng, làm nên nét riêng biệt cho ẩm thực mỗi dân tộc. Mặc dù vậy, trong sự khác biệt ta vẫn tìm thấy trong đó nhiều điểm chung ở sự dân dã, bình dị mà không kém phần tinh tế, thể hiện trong cách pha chế, nêm nếm, cách nấu và cả cách con người thưởng thức các món ăn. Mỗi một món ăn là sự tích góp, lưu truyền từ ông cha để lại và giờ đây lớp thế hệ con cháu đang đời nối đời lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp này./.

Minh Tịch

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com