Xây dựng và phát triển văn hóa, con người theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng đề cương văn hóa Việt Nam 1943 xác định ba đặc trưng cơ bản của nền văn hóa nước nhà là dân tộc, khoa học, đại chúng. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, hơn 20 năm chống Mỹ cứu nước, đất nước trải qua nhiều thử thách ngặt nghèo khi phải đối đầu với kẻ thù hung bạo, đông và mạnh gấp chúng ta nhiều lần. Song, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường không chịu khuất phục, lòng quả cảm, sáng tạo Đảng đã tập hợp, đoàn kết, phát huy truyền thống nhân văn, nhân ái trong cộng đồng làm nên những thắng lợi oanh liệt để non sông thu về một mối, Nam - Bắc vui sum họp một nhà. Trong bảo vệ xây dựng phát triển đất nước sau chiến tranh, cùng với tăng cường phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh thì Đảng, Nhà nước luôn xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa là mục tiêu CNXH. Xây dựng con người mới XHCN luôn được xác định là chủ thể của mọi sáng tạo về vật chất và văn hóa, là chiến lược văn hóa được ghi trong các Nghị quyết Đại hội Đảng. Con người mới XHCN có những đặc trưng cơ bản như: Phát triển cao về trí tuệ, có tầm vóc, thể lực cường tráng, đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, có đạo đức, lối sống, nếp sống, nhân cách tốt đẹp, có tinh thần tương trợ, hợp tác trong công đồng.
Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện sâu sắc từ Đại hội Đảng khóa VI (1986) đến nay, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc” Nghị quyết 33 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 9 (khóa IX) “Về xây dựng phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là chiến lược xây dựng phát triển văn hóa, con người trong sâu rộng quốc tế và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các Nghị quyết trên đã khơi dậy cổ vũ truyền thống yêu nước, hợp ý Đảng, lòng dân, được nhân dân đồng tình đón nhận tự giác. Với chức năng là cơ quan tham mưu giúp việc UBND tỉnh về lĩnh vực văn hóa trên địa bàn: Những năm qua Sở VHTT (nay là VH,TT&DL) bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, đã chủ động tích cực tham mưu cho tỉnh về quản lý Nhà nước và phát triển sự nghiệp văn hóa trên địa bàn. Sở tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý văn hóa, dịch vụ văn hóa, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp, tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, các văn bản trên là cơ sở, hành lang pháp lý để Sở VH,TT&DL các đơn vị trực thuộc sở, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi để sự nghiệp văn hóa của tỉnh phát triển bền vững. Những năm qua các đơn vị sự nghiệp tập trung chỉ đạo xây dựng gia đình văn hóa, tế bào của xã hội. Xây dựng gia đình tốt thì xã hội mới tốt, sự phối hợp với các ngành, đoàn thể trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” khá thường xuyên, chặt chẽ, việc xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn văn hóa, kiểm tra chéo, xét công nhận danh hiệu hàng năm đã đưa phong trào phát triển cả diện rộng và chiều sâu. Các hội nghị sơ kết, biểu dương gia đình văn hóa, làng văn hóa tổ chức từ xã tới huyện, tỉnh tạo không khí thi đua của các địa phương, các ngành, đoàn thể. Những năm gần đây Sở VH,TT&DL gắn phong trào xây dựng nông thôn mới” tạo nên sức mạnh tổng lực đưa phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến tiến bộ đến 31/12/2018 toàn tỉnh có 744.378/942.251 gia đình đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 79%; 5.586/6.031 làng, thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng văn hóa đạt tỷ lệ 92,6% trong đó 4.396/6.031 làng, thôn, bản tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa đạt tỷ lệ 72,8%; Có 371/573 xã phát động xây dựng xã văn hóa đạt chuẩn nông thôn nôn mới trong đó 296/577 xã được công nhận xã văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51.6%; Có 5.259/6.031 nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt tỷ lệ 82,7%; Có 70% số làng, bản, tổ dân phố có đội văn nghệ, 75% có câu lạc bộ trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, toàn tỉnh có 1.535 di tích được kiểm kê phân loại, có 145 di tích công nhận quốc gia (trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt (có 1 là Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ) và gần 700 di tích đăng ký bảo vệ cấp tỉnh); Nhiều địa phương thực hiện tốt xã hội hóa di tích huy động hàng ngàn ngày công, hàng tỷ đồng của nhân dân đóng góp nên nhiều di tích trở nên khang trang thu hút khách hành hương thực hiện tâm linh, tín ngưỡng. Các hoạt động trưng bày, triển lãm, tọa đàm giới thiệu sách ngày càng nâng cao chất lượng. Các đoàn văn công chuyên nghiệp dàn dựng chương trình chất lượng tổ chức lưu diễn phục vụ nhân dân cả trong và ngoài tỉnh. Các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng đã chú ý khai thác dân ca, dân vũ trò diễn dân gian thu hút đông đảo người xem, bởi người dân thích xem con em mình trình diễn, sáng tạo nghệ thuật. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đi vào nền nếp, ngăn chặn phô trương hình thức, lãng phí trong việc cưới; Ngăn ngừa hủ tục trong việc tang như: Bắt tà, trừ ma, để người chết trong nhà lâu ngày… Sở VH,TT&DL tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa như: Kinh doanh Karaoke, quán bar, vũ trường… xử lý nghiêm minh, công bằng các cơ sở sai phạm nên môi trường văn hóa của tỉnh những năm qua khá trong sạch, lành mạnh, ít có vi phạm lớn. Trong xây dựng và phát triển con người thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng phải đảm bảo các tiêu chí cơ bản. Đó là những con người có tầm vóc thể lực cường tráng, có trí tuệ cao, có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh có nhân cách tốt họ phải là những con người có ý chí tự lập, tự cường, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thôn, gia đình, quê hương đất nước. Đó cũng là những con người chấp hành tốt luật pháp, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, có tinh thần đoàn kết, tương trợ hợp tác trong cộng đồng. Sở VH,TT&DL tích cực tham mưu cho tỉnh xây dựng đề án “Phát huy các giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế”. Tuyên truyền thực hiện Quyết định 488 năm 2014 của UBND tỉnh về: Xây dựng công dân gương mẫu, gia đình kiểu mẫu, làng, thôn, bản, phố kiểu mẫu, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu, xã, phường, thị trấn kiểu mẫu, huyện kiểu mẫu. Nhờ phát huy nhân tố con người nên những năm qua kinh tế - xã hội tỉnh ta có bước phát triển nhanh, bền vững.
Bên cạnh những mặt chuyển biến tiến bộ, thời gian qua việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh biểu lộ một số bất cập, hạn chế sau:
Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện về phát triển kinh tế phải tương xứng, hài hòa với phát triển văn hóa, con người nên trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có lúc chưa quan tâm đúng mức.
Việc xây dựng quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch kế hoạch đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng, Trung tâm VHTT huyện, thị, thành phố còn bất cập, hạn chế. Bởi vậy, năng lực, trình độ nhiều cán bộ hạn chế. Việc tổ chức triển khai hoạt động còn lúng túng, hiệu quả, chất lượng không cao.
Một số đơn vị trực thuộc sở, các phòng, Trung tâm VHTT huyện, thị, thành phố chưa chủ động, năng động trong xây dựng kế hoạch, triển khai xây dựng phát triển văn hóa, con người theo chức năng, nhiệm vụ được giao nên nội dung, hình thức hoạt động đơn điệu, nghèo nàn. Việc đôn đốc, kiểm tra, đánh giá thực thi nhiệm vụ ở một số ban sở, đơn vị trực thuộc, phòng, Trung tâm VHTT huyện, thị, thành phố có lúc có nơi chưa sâu sát nên chất lượng công việc chưa cao nhất là trong xây dựng các đề án, dự án trình tỉnh phê duyệt.
Hiện nay, tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn còn nhiều rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Các lực lượng thù địch vẫn dùng nhiều thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước ta. Những tiêu cực, tham nhũng lãng phí trong quản lý sử dụng đất đai, tài sản công ở một số địa phương, bộ, ngành, một số cán bộ cấp cao diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tạo bức xúc trong dư luận. Việc xử lý kiên quyết sai phạm không có vùng cấm gần đây được dư luận đồng tình.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những thiếu sót, hạn chế, thời gian tới ngành VH,TT&DL tập trung trí tuệ, công sức toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện CNH, HĐH. Với sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của cấp ủy chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên các ngành, đoàn thể, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, lao động toàn ngành nhất định chúng ta sẽ thu hái nhiều thành công trong xây dựng văn hóa, con người, góp phần xây dựng Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Phạm Minh Trị
(đã đăng tại tập san Văn hóa cơ sở số 53)